Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Gan nhiễm mỡ là gì?

Ở trẻ em, bệnh gan nhiễm mỡ còn được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease – NAFLD) là tình trạng chất béo dư thừa được lưu trữ trong gan. Sự tích tụ chất béo này không phải do sử dụng nhiều rượu.

Bệnh gồm 2 thể chính là gan nhiễm mỡ nhẹ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).

Gan nhiễm mỡ nhẹ là dạng NAFLD trong đó trẻ bị tăng chất béo trong gan nhưng ít hoặc không bị viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Gan nhiễm mỡ nhẹ thường không tiến triển để gây ra các biến chứng hoặc tổn thương gan vĩnh viễn.

NASH là dạng NAFLD trong đó trẻ bị viêm gan và tổn thương tế bào gan, bên cạnh việc tích tụ chất béo trong gan. Tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan có thể gây xơ hóa hoặc tạo sẹo cho gan và có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em phổ biến như thế nào?

NAFLD là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan mãn tính ở trẻ em ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng gần 10% trẻ em Hoa Kỳ từ 2 đến 19 tuổi có NAFLD. NAFLD đã trở nên phổ biến hơn ở trẻ em trong những thập kỷ gần đây, một phần là do tình trạng béo phì ở trẻ em đã trở nên phổ biến hơn.

Trong một nghiên cứu về NAFLD ở trẻ em, khoảng 23% trẻ có mỡ thừa trong gan có NASH.

Ai có nhiều khả năng phát triển bệnh?

Trẻ em mắc một số bệnh, bao gồm béo phì và các tình trạng liên quan đến béo phì, có nhiều khả năng phát triển bệnh gan nhiễm mỡ.

Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ, tuy nhiên ở nữ giới lại có nguy cơ xơ hóa tiến triển cao hơn.

Tỷ lệ lưu hành của bệnh được báo cáo là cao nhất ở Nam Mỹ và Trung Đông (>30%), tiếp theo là châu Á (27%) và Bắc Mỹ và châu Âu với tỷ lệ lưu hành lần lượt là 24% và 23%. Bệnh ít phổ biến hơn ở trẻ em Mỹ gốc Phi.

Các biến chứng của bệnh là gì?

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng về gan và các vấn đề sức khỏe khác.

Biến chứng gan

Phần lớn trẻ em bị gan nhiễm mỡ nhje, thường không phát triển các biến chứng về gan. Tuy nhiên, một số trẻ bị bệnh NASH có thể dẫn đến các biến chứng về gan như xơ gan và ung thư gan. Nếu xơ gan dẫn đến suy gan, có thể cần phải ghép gan.

Các vấn đề sức khỏe khác

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe cao hơn, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa, các tình trạng có thể là một biểu hiện của hội chứng chuyển hóa, chẳng hạn như tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và xơ cứng động mạch khi trưởng thành.

Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ ở trẻ em là gì?

Bệnh thường diễn biến thầm lặng với ít hoặc không có triệu chứng. Trẻ em có thể không có triệu chứng ngay cả khi chúng phát triển thành xơ gan. Tuy nhiên, một khi các triệu chứng phát sinh, trẻ có thể đã bị tổn thương gan vĩnh viễn. Nếu trẻ em có các triệu chứng của bệnh, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, dễ mệt hoặc khó chịu vùng gan, ở phía trên bên phải của bụng.

Nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ em?

Các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao một số người tích tụ chất béo trong gan trong khi những người khác thì không.

Gan nhiễm mỡ đều có mỗi liên hệ với những điều sau:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Kháng insulin, trong đó các tế bào của cơ thể không hấp thụ đường để đáp ứng với hormone insulin
  • Tăng đường huyết, cho thấy tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2
  • Mỡ máu tăng cao, đặc biệt là triglycerid

Những vấn đề sức khỏe này xuất hiện, thúc đẩy sự tích tụ chất béo trong gan. Đối với một số người, chất béo dư thừa này hoạt động như một chất độc đối với các tế bào gan, gây viêm gan có thể dẫn đến sự tích tụ các mô sẹo trong gan.

Một số gen nhất định cũng có thể làm tăng cơ hội phát triển NASH của trẻ. Những gen này có thể giải thích tại sao NASH phổ biến hơn ở trẻ em người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á hơn trẻ em người Mỹ da đen hoặc người Mỹ gốc Phi.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Cholesterol máu cao
  • Triglycerid trong máu cao
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Béo phì, đặc biệt là béo bụng
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Suy tuyến giáp
  • Suy tuyến yên.

Làm thế nào để chẩn đoán gan nhiễm mỡ ở trẻ em?

Các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử y tế và gia đình, thăm khám và chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cho trẻ.

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh ở trẻ em:

  • Xét nghiệm máu: cho thấy tăng các men gan, và để kiểm tra xem trẻ có các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nồng độ men gan hay không.
  • Chẩn đoán hình ảnh: có thể cho thấy dấu hiệu của các vấn đề về gan khác hoặc có thể gợi ý rằng có chất béo trong gan. Xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng là siêu âm, siêu âm đàn hồi, chụp cộng hưởng từ
  • Sinh thiết gan: đây là xét nghiệm duy nhất có thể chứng minh chẩn đoán và cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các bác sĩ điều trị gan nhiễm mỡ ở trẻ em như thế nào?

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ thừa cân hoặc béo phì nên giảm cân để điều trị gan nhễm mỡ. Không có đủ bằng chứng để xác định xem có cần cải thiện BMI hoặc giảm cân ở mức độ nào để cải thiện tình trạng bệnh ở trẻ em hay không; tuy nhiên, trong các nghiên cứu dành cho người lớn, giảm ≥ 10% trọng lượng cơ bản có liên quan đến ≥90% thoái giảm của NASH. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị trẻ nhỏ cố gắng duy trì cân nặng khi chiều cao của chúng tăng lên. Quan trọng nhất là tránh tình trạng tăng cân, muốn vậy phải thay đổi lối sống cho trẻ.

  • Tránh đồ uống có đường: các thử nghiệm lớn đã chứng minh rằng giảm đồ uống có đường làm giảm mỡ ở trẻ em và có thể có lợi cho trẻ em thừa cân và béo phì bị NAFLD.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Để trẻ khỏe mạnh, cần thực hiện một số hướng dẫn bao gồm: đồ uống chỉ bao gồm nước hoặc sữa không béo, chất béo trong chế độ ăn nên bao gồm 25–30% lượng calo hàng ngày và chế độ ăn uống nên bao gồm thực phẩm giàu chất.
  • Tập thể dục cường độ trung bình đến cao hàng ngày. Các thử nghiệm cũng cho thấy có sự giảm đáng kể mỡ gan ở hai nhóm tập thể dục nhịp điệu và thể dục đối kháng. Theo hướng dẫn hoạt động thể chất năm 2008 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, trẻ em nên có 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Ngoài ra, nên cho trẻ hoạt động thể lực cường độ mạnh 3 ngày trong tuần, vận động tăng cường cơ bắp 3 ngày trong tuần, vận động thể lực tăng cường cho xương 3 ngày trong tuần.
  • Thời gian sử dụng thiết bị điện tử dưới 2 giờ/ngày.

(Nguồn: Internet)

Không có loại thuốc nào được chấp thuận là điều trị đặc hiệu bệnh ở trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy điều trị bằng vitamin E có thể cải thiện NASH ở một số trẻ em.

Đối với những người bị xơ gan do NASH, ghép gan có thể là một lựa chọn.

Khi nào cần sàng lọc bệnh ở trẻ?

Nên bắt đầu sàng lọc từ 9-11 tuổi cho tất cả trẻ béo phì và cho trẻ thừa cân có yếu tố nguy cơ (rối loạn phân bố mỡ thể trung tâm, kháng insuline, đái tháo đường hoặc tiền đài tháo đường, rối loạn lipid máu, ngừng thở khi ngủ, tiền sử gia đình gan nhiễm mỡ không do rượu).

Sàng lọc sớm hơn nếu trẻ có yếu tố nguy cơ như béo phì nặng, tiền sử gia đình bị NAFLD/NASH, suy tuyến yên

 – Xét nghiệm

  • Gần đây, phương pháp sàng lọc được đánh giá tốt nhất là ALT
  • ALT tăng trên 2 lần ULN, kéo dài > 3 tháng nên được sàng lọc NAFLD hoặc bệnh viêm gan mạn khác
  • Siêu âm không phải là biện pháp sàng lọc thường quy do độ nhạy và đặc hiệu của nó không cao.

 – Sàng lọc sau đó

  • Nếu lần đầu bình thường, kiểm tra lại ALT mỗi 2-3 năm nếu vẫn còn các yếu tố nguy cơ;
  • Sàng lọc nhắc lại sớm hơn nếu tăng các yếu tố nguy cơ lâm sàng của NALFD về số lượng hoặc về mức độ nặng.

Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi có đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực gan mật trẻ em, có thể cung cấp những phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện có tại Việt Nam về lĩnh vực gan trẻ em khi bạn cần. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi bao gồm các bác sĩ phẫu thuật gan mật, hồi sức ngoại khoa và các y bác sỹ chuyên ngành gan mật nhiều kinh nghiệm luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Nếu bạn nghi ngờ con mình có các triệu chứng bất thường về bệnh lý gan mật, hãy đưa các bé tới phòng khám chuyên khoa Gan mật C103-C104 tại Khoa Khám bệnh Chuyên khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em