Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Hướng dẫn sử dụng các thuốc nhỏ mắt

Hướng dẫn sử dụng các thuốc nhỏ mắt

1. Một số khái niệm cơ bản

Thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc lỏng, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Bên cạnh đó, cũng có một số chế phẩm thuốc nhỏ mắt được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn, cần phải được hòa tan với một chất lỏng vô khuẩn thích hợp trước khi dùng.

Thuốc mỡ tra mắt là dạng thuốc mềm, bao gồm những chế phẩm thuốc mỡ dùng cho mắt, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Tuy nhiên, dạng thuốc này có nhược điểm là làm mờ mắt tạm thời mỗi khi tra thuốc, để khắc phục đặc điểm này, một số dạng thuốc gel tra mắt cũng đã được điều chế và lưu hành trên thị trường.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt

Bước 1 Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm
Bước 2 Mở nắp lọ thuốc; Đặt nghiêng nắp lọ thuốc lên bề mặt sạch (ví dụ: khăn giấy khô mới). Kiểm tra đầu nhỏ thuốc sạch sẽ, không bị nứt hoặc sứt mẻ.
Bước 3 Đặt trẻ ngồi hoặc nằm thẳng, ngửa cổ ra sau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dùng chăn quấn và bế trẻ để giữ trẻ nằm yên.
Bước 4 Dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm lọ thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm, nhẹ nhàng nhỏ từng giọt vào phần túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu ống thuốc vào mắt)
Bước 5 Nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây
Bước 6 Giữ cho trẻ nhắm nhẹ mắt trong vòng 5 giây để đảm bảo thuốc được hấp thu, không bị trôi ra ngoài
Bước 7 Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch
Bước 8 Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc mỡ tra mắt, gel tra mắt

Bước 1 Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm
Bước 2 Mở nắp tuýp thuốc. Đặt nghiêng nắp tuýp thuốc lên bề mặt sạch (ví dụ: khăn giấy khô mới). Kiểm tra đầu bơm thuốc sạch sẽ, không bị nứt hoặc sứt mẻ
Bước 3 Đặt trẻ ngồi hoặc nằm thẳng, ngửa cổ ra sau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dùng chăn quấn và bế trẻ để giữ trẻ nằm yên
Bước 4 Dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm tuýp thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm. Bóp nhẹ tuýp thuốc để 1 lượng thuốc (kích thước khoảng 1cm hoặc bằng 1 hạt gạo) được trải đều trên bề mặt túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu bơm của tuýp thuốc vào mắt).
Bước 5 Nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây.
Bước 6 Giữ cho trẻ chớp nhẹ mắt trong vòng 10 giây để phần thuốc mỡ/gel tan và hấp thụ trong mắt, không bị trôi ra ngoài.
Bước 7 Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch.
Bước 8 Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt/thuốc mỡ tra mắt

Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt/gel tra mắt với bên mắt cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Đảm bảo đầu nhỏ giọt/bơm thuốc luôn sạch sẽ. Có thể dùng khăn giấy khô mới, sạch, lau nhẹ đầu nhỏ giọt/bơm thuốc sau mỗi lần sử dụng

Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: giữ nguyên đầu của trẻ, nhỏ/bơm thuốc vào góc trong của mắt để đảm bảo thuốc vẫn vào được trong mắt ngay cả khi mắt trẻ nhắm lại do sợ dùng thuốc hoặc sau mỗi lần dùng thuốc. Có thể dùng ngón trỏ kéo nhẹ phần mí mắt dưới của trẻ để thuốc vào được bên trong mắt.

Trường hợp thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt/gel tra mắt bị nhỏ/bơm trượt dẫn đến thuốc chưa vào được trong mắt, có thể lặp lại quá trình nhỏ/bơm thuốc, tuy nhiên không được lặp lại quá 2 lần.

Nếu cần nhỏ/bơm nhiều hơn 1 giọt/lượng thuốc vào mỗi mắt, cần đợi ít nhất từ 5 – 10 giây trước lượt nhỏ/bơm thuốc tiếp theo.

Trường hợp cần dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt/gel tra mắt với một bên mắt:

+ Luôn sử dụng các thuốc mỡ/gel tra mắt cuối cùng

+ Các loại thuốc được sử dụng cách nhau ít nhất từ 3-5 phút

5. Tài liệu tham khảo

1. https://www.medicinesforchildren.org.uk/how-give-medicines-eye-drops-and-eye-ointment
2. https://www.safemedication.com/-/media/SafeMed/Flyers/Eye-Drops-Flyer.pdf
3. https://www.safemedication.com/-/media/SafeMed/Flyers/Eye-Ointments-and-Gels-Flyer.pdf
4. https://www.aboutkidshealth.ca/Article?contentid=995&language=English
5. https://www.aboutkidshealth.ca/Article?contentid=996&language=English
6. https://www.aao.org/eye-health/treatments/how-to-put-in-eye-drops

DS. Đỗ Thùy Anh – Khoa Dược

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em