Đó là khi bé bị “dội bom” bởi quá nhiều trải nghiệm, cảm xúc, âm thanh và hoạt động so với khả năng tiếp nhận của mình.
Một bé sơ sinh có thể có những dấu hiệu bất an sau khi tham gia một bữa tiệc mà ở đó bé được người lớn ôm ấp, cưng nựng quá nhiều. Một em bé có thể bỗng nhiên “nổi xung” sau một bữa tiệc sinh nhật. Tương tự như vậy, một học sinh có thể trở nên quàu quạu nếu sau giờ ở trường lại bị tha đến lớp học thêm và buổi tối lại phải đi học nhạc. Tất cả những trường hợp kể trên chính là dấu hiệu của hiện tượng trẻ bị kích thích quá mức. Đó là khi bé bị “dội bom” bởi quá nhiều trải nghiệm, cảm xúc, âm thanh và hoạt động so với khả năng tiếp nhận của mình.
(Ảnh minh hoạ)
Trải nghiệm là một yếu tố quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ và cũng là một trong những băn khoăn lớn của các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khám phá cuộc sống, nghỉ ngơi cũng là điều cần thiết giúp bé yêu cân bằng cuộc sống. Những đứa trẻ bị kích thích quá mức sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và choáng ngợp. Khi điều này xảy ra, các bé cần được trấn tĩnh, trả về nơi yên ổn, quen thuộc của mình.
Dấu hiệu của sự kích thích quá mức
Khi những cảm xúc trở nên “quá tải”, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể trở nên cáu bẳn, mệt mỏi và quấy khóc nhiều hơn. Bé cũng có thể bộc lộ thái độ bất hợp tác bằng cách ngoảnh mặt đi, cử động đờ đẫn, nắm chặt bàn tay, hươ cánh tay.
Những trẻ nhỏ rơi vào trạng thái này cũng có những biểu hiện cảm xúc tương tự: bé mệt mỏi và trở nên khó bảo hơn. Đây chính là thông điệp bé muốn nhắn nhủ người lớn rằng bé không hứng thú với bất kỳ hoạt động nào nữa và cần được yên. Lắng nghe và để tâm đến những điều bé không hứng thú rất quan trọng.
Trẻ cũng có thể gặp các rắc rối trong vấn đề ứng xử khi bị kích thích quá mức và tỏ ra chán ghét với cả những việc làm trẻ vốn hứng thú.
Cân bằng giữa thời gian giải trí và nghỉ ngơi
Bộ não của trẻ phát triển rất nhanh chóng trong thời kỳ từ lúc mới sinh đến trước giai đoạn đi học, vì thế các bé cần rất nhiều cơ hội học hỏi. Quá trình học này diễn ra không ngừng, và giúp bé thu nhận rất cả những trải nghiệm tuyệt vời mà thế giới đã mở ra trước mắt bé.
Tuy nhiên,điều này không có nghĩa là cha mẹ phải dành cả ngày chỉ để lúc lắc đồ chơi trước mặt bé hay hộc tốc đưa con đến các lớp học ngoại khóa sau mỗi giờ lên lớp. Trẻ cũng cần được yên tĩnh trong các điều kiện quen thuộc.
Giải quyết các tình huống trẻ bị kích thích quá mức
Khi cha mẹ nhận thấy bé yêu có dấu hiệu bị “quá tải”, hãy đưa con đến một nơi yên tĩnh để bé trấn tĩnh lại- ví dụ, cho con nằm trong nôi. Trong trường hợp mẹ bế bé ra ngoài thì có thể đặt bé trong một chiếc xe đẩy và phủ bằng một chiếc chăn mỏng.
Một biện pháp nữa giúp bé sơ sinh và trẻ nhỏ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh là quấn bé trong một lớp chăn hoặc lớp vải vì cách này giúp hạn chế được các kích thích lên da thịt của trẻ, cũng giống như hằng ngày khi bé được bố mẹ ôm ấp và áp sát vào cơ thể bố mẹ
Sau đây là một vài bí kíp khi bé nhà bạn rơi vào trạng thái kích thức quá mức
Với các trẻ lớn
Tách bé ra khỏi tiếng ồn và các hoạt động xung quanh. Ví dụ: Tắt ti vi hoặc đài, bế bé vào phòng ngủ, để bé nằm cạnh bạn nếu bé cần trấn tĩnh hơn.
- Giúp bé diễn tả cảm xúc mà bé đang thể hiện qua hành vi của mình. Ví dụ: mẹ có thể nói “ Mẹ thấy con đang buồn”. “Con đang mệt à?”
- Lặng yên ngồi bên con và cùng bé tham gia những hoạt động tĩnh ví dụ như: đọc sách, truyện, nằm cạnh con, hát những bài nhẹ nhàng hoặc chỉ là vỗ nhẹ lưng bé.
- Gợi ý cho con đến một nơi yên tĩnh nếu con cảm thấy mệt mỏi hoặc có biểu hiện lạ khi phải làm việc gì quá nhiều. Ví dụ, con có thể đọc sách, nghe những bản nhạc êm dịu trong phòng ngủ.
- Trò chuyện với con về những hoạt động mà con hứng thú nhất. Có thể bé cần bỏ bớt một vài hoạt động nếu con cảm thấy quá sức.
- Bé nhà bạn cũng cần có thời gian trong tuần dành cho việc làm bài tập, giao tiếp xã hội hoặc đơn giản là thời gian ở một mình.
Cần định lượng thế nào là kích thích vừa đủ
Không có một công thức chuẩn cho câu hỏi “ thế nào là kích thích quá nhiều” bởi vì mỗi đứa trẻ đều rất khác biệt. Mỗi đứa trẻ có ngưỡng chịu đựng kích thích bên ngoài khác nhau. Một số bé có thể có ngưỡng lớn hơn các bé khác
Hãy hướng dẫn con và nhớ rằng vừa đủ mới là tốt nhất.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên dành thời gian nhất định trong ngày để trẻ được yên tĩnh hoặc nghỉ ngơi, bên cạnh thời gian ngủ.
Với trẻ ở tuổi đi học, con sẽ thu lượm được nhiều trải nghiệm tích cực nhất khi tham gia một hoặc hai môn học ngoại khóa mà con thực sự yêu thích. Chơi thể thao, âm nhạc và các câu lạc bộ là một cách tuyệt vời để phát triển các kỹ năng, kết bạn và theo đuổi các đam mê. Nếu sau giờ học mà trẻ vẫn giành quá nhiều thời gian cho các hoạt động ồn ào thì điều này chứng tỏ con đang thiếu thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Lê Mai ( biên dịch)
Theo: Raising children.