Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Ngừng tim liên quan đến hoạt động thể thao

Ngừng tim liên quan đến hoạt động thể thao

Theo xu hướng của các nước phát triển, mô hình bệnh tật tại Việt Nam cũng có xu hướng chuyển dịch trong những năm gần đây từ các bệnh lây nhiễm sang nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong có xu hướng gia tăng. Ngừng tim đột ngột hay đột tử, tuy ít gặp (khoảng 1/100000 người dân/năm theo các báo cáo), nhưng ảnh hưởng rất lớn tới gánh nặng xã hội do các hậu quả của nó gây ra (tử vong, tàn tật, di chứng thần kinh). Việc dự phòng ngăn ngừa ngừng tim đột ngột cũng như cấp cứu ban đầu là vô cùng quan trọng giúp giảm gánh nặng bệnh tật cũng như tử vong.

Tập luyện thể thao là một biện pháp được khuyến cáo nhằm giúp giảm nguy cơ tim mạch, tuy nhiên hoạt động thể lực cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột ở bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc chưa. Vậy hiểu như thế nào cho đúng về ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao, để tránh tình trạng tâm lý lo ngại không dám hoạt động thể lực, nhất là tâm lý lo sợ của cha mẹ không cho con cái tập luyện thể thao.

1. Ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao do căn nguyên tim mạch

Ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đã biết trước hoặc có bệnh lý tim mạch nhưng chưa được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột khác nhau theo nhóm tuổi, mỗi nhóm tuổi có những nguyên nhân đặc trưng khác nhau. Một số nguyên nhân có thể gặp ở trẻ em như:

  • Bệnh động mạch chủ: Ở những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, Hội chứng Marfan (một rối loạn di truyền gây suy yếu thành động mạch chủ), bất thường van động mạch chủ (động mạch chủ 2 lá van), khi hoạt động thể lực mạnh, động mạch chủ có thể bị rách và gây tử vong cho bệnh nhân.
  • Xơ vữa động mạch vành: Khi vận động thể lực mạnh, gây nứt vỡ đột ngột các mảng xơ vữa dẫn đến hình thành huyết khối và nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến ngừng tim
  • Các bất thường bẩm sinh của động mạch vành: thường gây thiếu máu cơ tim âm thầm, tạo ra sẹo xơ trên bề mặt cơ tim và chính những vị trí xơ này là nguồn gốc phát sinh rối loạn nhịp dẫn tới ngừng tim đột ngột
  • Bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, bệnh cơ tim phì đại
  • Các bệnh lý van tim gây phì đại buồng tim, giãn buồng tim cũng có thể gây ra các rối loạn nhịp tim dẫn tới ngừng tim đột ngột
  • Các bệnh lý rối loạn nhịp tim: một số bệnh lý như nhịp nhanh kịch phát trên thất, hội chứng QT dài, hội chứng Brugada,..

Nhìn chung ở trẻ em các nguyên nhân thường gặp như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại, bất thường bẩm sinh mạch vành…

Để ngăn ngừa ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao cần phải có chiến lược rõ ràng, từ việc khám sức khỏe định kỳ sàng lọc các bệnh lý tim mạch, có các bài tập kế hoạch luyện tập, mức độ tập luyện phù hợp với mỗi tình trạng bệnh.

2. Rung thất và đột tử kích hoạt bởi vật tù tác động mạnh vào vùng ngực (commotio cordis)

2.1. Commotio cordis là gì?

Commotio cordis là thuật ngữ chỉ tình trạng bệnh nhân đột ngột ngất và sau đó tử vong khi bị quả bóng hoặc vật tù tác động mạnh, đột ngột vào vùng ngực trái trong khi chơi một số môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu, trên bệnh nhân không có tổn thương tim cũng như không có bệnh lý tim mạch từ trước. Bệnh cảnh được mô tả từ những năm giữa của thế kỉ 19, và chúng ta đã được biết đến với hình ảnh: đòn đánh chí mạng vào vùng ngực sau đó đối thủ tử vong ngay tại chỗ trong các bộ phim võ thuật Trung Quốc.

Đây là tình trạng bệnh gây ra do có một ngoại lực đến từ vật tù tác động vào vùng ngực, tác động cơ học này tác động vào vùng ngực dẫn đến rối loạn điện học của tim gây ra nhịp nhanh thất và sau đó là rung thất, trên bệnh nhân không có bệnh lý tim mạch từ trước. Lực tác động không gây ra các tổn thương cơ học vùng ngực cũng như chấn thương tim.

Hình 1: Cơ chế: một lực tác động vào vùng ngực trong thời gian tái cực tâm thất gây ra rung thất

Đây là bệnh hiếm gặp, chưa có thống kê cụ thể, bệnh thường gặp ở trẻ em từ 9 đến 15 tuổi (rất hiếm gặp ở người trên 25 tuổi), 95% số ca bệnh được mô tả ở trẻ trai. Hoàn cảnh xảy ra rất khác nhau: khi trẻ chơi các môn thể thao như bóng bầu dục, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, khúc côn cầu bị quả bóng hoặc gậy tác động vào vùng ngực trái.

Hình 2: Phân bố các môn thể thao gây Cammotio cordis trên 128 bệnh nhân ở Hoa kỳ

Theo thống kê tại Mỹ, trong số các ca Commotio cordis, bóng chày là môn thể thao thường gặp nhất, sau đó là bóng ném, khúc côn cầu, bóng vợt. Bóng đá là môn thể thao không thường gặp Commotio cordis.

Commotio cordis thường gây tử vong và là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong liên quan đến hoạt động thể thao (sau bệnh cơ tim phì đại và bất thường động mạch vành). Nhưng cùng với những hiểu biết tốt hơn về bệnh, giáo dục kỹ nặng cấp cứu ngừng tim ngừng thở tại cộng đồng, sự phổ biến của máy khử rung, số ca sống sót không ngừng tăng lên. Theo các báo cáo tỉ lệ sống sót đã tăng từ 15% (ở thập kỉ trước) lên 35% đến hiện nay.

2.2. Phòng ngừa Commotio cordis

Một số biện pháp được đưa ra để phòng ngừa Commotio cordis như giáo dục các vận động viên trong các môn thể thao các động tác chuẩn, tránh các đòn đánh vào vị trí trọng yếu (vùng trước ngực). Như trong môn quyền anh, các vận động viên không nên có những cú đấm vào vùng ngực của đối thủ, mặc dù có thể là cú đấm khá nhẹ nhưng vẫn có nguy cơ gây ngừng tim. Các vận động viên cũng được giáo dục một số kĩ nặng như: không được dùng ngực để đón bóng, quay ngực khi quả bóng từ xa với lực tác động mạnh đang lao tới.

Một số sáng kiến mới về thay đổi các dụng cụ thể thao để nhằm ngăn ngừa Commotio cordis, tuy nhiên hiệu quả mới chỉ được chứng minh một phần trong phòng thí nghiệm, hiệu quả trên thực tế chưa cao, như thiết kế quả bóng mềm hơn trong các môn bóng rổ, bóng chày. Một số bộ áo giáp bảo vệ được giới thiệu với hy vọng ngăn ngừa tình trạng ngừng tim do tác động ngoại lực vào ngực. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao vì khi hoạt động thể thao, áo giáp có thể di lệch không còn bao phủ vùng cần bảo vệ.

Hình 3: Dụng cụ bảo vệ ngực (hình A, B), cấu trúc xốp của quả bóng chày làm giảm độ cứng (hình C)

Nguyên nhân gây tử vong trong Commotio cordis là rung thất, do đó để hạn chế tử vong cần giáo dục cha mẹ, các huấn luyện viên thể thao, đội cứu hộ tại sân thể thao kiến thức để nhận biết Commotio cordis và kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn thành thạo. Các sân thể thao cũng nên được trang bị máy khử rung và các huấn luyện viên, nhân viên sân thể thao được đào tạo về sử dụng máy khử rung một các thành thạo.

Kết luận

Hoạt động thể thao là vô cùng quan trọng và nhiều lợi ích giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Tuy nhiên trong quá trình hoạt động thể dục thể thao có thể có một số tai nạn, trong đó ngừng tim đột ngột là tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước hoặc không. Ngay kể các các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vẫn có thể hoạt động thể dục thể thao, tuy nhiên cần có khuyến cáo cụ thể để tránh các tai nạn không mong muốn xảy ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, Barry J. Maron, MD (2002). Clinical Profile and Spectrum of Commotio Cordis. JAMA. 2002;287(9):1142-1146. doi:10.1001/jama.287.9.1142

2, Barry J. Maron, M.D., and N.A. Mark Estes, III, M.D. (2010). Commotio Cordis. N Engl J Med 2010; 362:917-927 DOI: 10.1056/NEJMra0910111

3, Eloi Marijon, Audrey Uy-Evanado  (2015). Sudden Cardiac Arrest During Sports Activity in Middle Age. https://doi.org/10.1161/CIRCULATIONAHA.114.011988 Circulation. 2015;131:1384–1391

BS. Lê Nhật Cường

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em