Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Nhiễm trùng huyết (Sepsis) – Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em

Nhiễm trùng huyết (Sepsis) – Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em

Nhiễm trùng huyết (Sepsis) là tình trạng bệnh lý nặng, đe doạ tính mạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng quá mức với nhiễm trùng [1]. Quá trình đáp ứng viêm mạnh mẽ này sẽ làm tổn thương các mô và tạng. Khi rối loạn chức năng các tạng đặc biệt là hệ tuần hoàn sẽ làm giảm khả năng tưới máu, cung cấp oxy đến mô, do đó sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh lý của người bệnh. Nếu không được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sốc, suy đa tạng và tử vong [2].

  1. Nhiễm trùng huyết – Vấn đề sức khỏe toàn cầu

Ước tính mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 47 triệu – 50 triệu người mắc
và khoảng 11 triệu người tử vong do nhiễm trùng huyết, trong đó tỷ lệ
mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng hơn 40% (20 triệu trẻ) và tử vong
chiếm khoảng 25-30% (khoảng 3 triệu trẻ). Tuỳ theo mỗi quốc gia và khu
vực, tỷ lệ tử vong có thể dao động từ 15% đến trên 50%. Khoảng 85%
trường hợp mắc và tử vong do nhiễm trùng huyết xảy ra ở các nước thu
nhập thấp và trung bình, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Phi và
Đông Nam Á [3]. Ngoài ra, người bệnh cũng phải chịu nhiều di chứng của
nhiễm trùng huyết suốt phần đời còn lại.

  1. Nhiễm trùng huyếtCác căn nguyên
    thường gặp

Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết bao gồm virus, vi khuẩn, nấm và ký
sinh trùng. Các căn nguyên ở trẻ em phụ thuộc vào lứa tuổi, bệnh nền,
vùng địa lý bao gồm:

  • Các căn nguyên vi khuẩn ở trẻ khoẻ mạnh: Haemophilus
    influenzae type B (Hib); Streptococcus pneumoniae (Phế cầu); Neisseria
    meningitidis (Não mô cầu); Staphylococcus aureus (Tụ cầu);
    Streptococcus pyogenes (Liên cầu).
  • Với trẻ suy giảm miễn dịch, nằm viện kéo dài, bên cạnh các
    căn nguyên đã đề cập ở trên thì còn có thể gặp: Các nhóm vi khuẩn gram
    (-) đường ruột, các vi khuẩn gram (-) như Pseudomonas, Acinetobacter và
    Burkholderia species; Staphylococcus aureus kháng Methicillin.
  • Ngoài ra, các loại virus như Cúm, Adenovirus, Coronavirus
    cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng huyết ở trẻ nhỏ và trẻ suy
    giảm miễn dịch.
  1. Nhiễm trùng huyếtCác triệu chứng

Các triệu chứng sau đây có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng huyết:

  • Nói nhịu hoặc lú lẫn
  • Run cơ hoặc đau cơ, sốt
  • Không có nước tiểu
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Da tái hoặc nổi vân tím

Lưu ý: Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định
người bệnh có tình trạng nhiễm trùng và xuất hiện một trong những triệu
chứng trên thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

  1. Nhiễm trùng huyếtNhóm nguy cơ

Mọi người đều có thể mắc nhiễm trùng huyết, bất kể tình trạng sức khoẻ,
thể trạng và điều kiện sống. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nguy cơ
cao gồm:

  • Trẻ dưới 1 tuổi
  • Người trên 60 tuổi
  • Người bệnh đã cắt lá lách
  • Người có bệnh lý mạn tính về hô hấp, tim mạch, ung thư,
    thần kinh cơ, ghép tuỷ
  • Người bệnh suy giảm miễn dịch
  • Người mới phẫu thuật
  1. Hội chứng hậu Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết không chỉ dừng lại khi người bệnh xuất viện, các di
chứng hậu nhiễm trùng huyết còn ảnh hưởng đến người bệnh suốt phần đời
còn lại [4], đó có thể là:

  • Buồn chán/ Lo lắng
  • Nuốt khó/đau ngực
  • Yếu cơ/giảm vận động
  • Đau khớp và cơ
  • Suy nghĩ tiêu cực
  • Khó ngủ
  • Khó tập trung
  • Suy giảm trí nhớ
  • Mệt mỏi
  1. Nhiễm trùng huyết – Các biện pháp phòng ngừa

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng huyết bao gồm:

  • Tiêm chủng đầy đủ
  • Sử dụng nước sạch
  • Vệ sinh tay
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng mắc phải trong bệnh viện
  • An toàn sản khoa
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng
  1. Hưởng ứng ngày Nhiễm trùng huyết Thế giới (13/9)

Ngày 13 tháng 9 hàng năm được chọn làm Ngày Nhiễm trùng huyết Thế giới
(World Sepsis Day) – một sáng kiến của Liên minh nhiễm trùng huyết toàn
cầu (Global Sepsis Alliance) để nâng cao nhận thức của nhân viên y tế
và cộng đồng về một tình trạng bệnh lý cấp cứu nội khoa có nguy cơ tử
vong cao nếu người bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời. Nhằm
hưởng ứng Ngày Nhiễm trùng huyết Thế giới năm 2023, Hội Nhi khoa Việt
Nam phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức Hội nghị Hồi sức cấp
cứu Nhi năm 2023 với chuyên đề “Nhiễm trùng huyết (Sepsis) ở trẻ em”
vào ngày 13-14/9/2023.

Chương  trình hội nghị:
https://hoithao.benhviennhitrunguong.gov.vn/hscc-nhi-2023/

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/sepsis
  2. Gotts, Jeffrey E., and Michael A. Matthay. “Sepsis: pathophysiology and clinical management.” Bmj 353 (2016).
  3. World Health Organization. “Global report on the epidemiology and burden of sepsis: current evidence, identifying gaps and future directions.” (2020).
  4. Prescott, Hallie C., and Derek C. Angus. “Postsepsis morbidity.” Jama 319.1 (2018): 91-91.

TS.BS Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa
Biên tập: Thu Hương, Ngọc Thạch, Phạm Thao 

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em