Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Nhận biết những khó khăn về khả năng chú ý của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

Nhận biết những khó khăn về khả năng chú ý của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

I. Đại cương

1.1. Đại cương về rối loạn phổ tự kỷ

Tự kỷ là một loại khuyết tật suốt đời xuất hiện trong vòng 3 năm đầu đời, đây là hệ quả của rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động não bộ và tác động đến trẻ em ở nhiều quốc gia. Tự kỷ không phân biệt giới tính, chủng tộc,điều kiện kinh tế xã hội và đặc trưng bởi khiếm khuyết trong tương tác xã hội, các vấn đề giao tiếp bằng lời nói và không lời, có hành vi sở thích hạn hẹp, định hình lặp đi lặp lại. Những biểu hiện này xuất hiện trước 3 tuổi với mức độ từ nhẹ đến nặng, diễn biến kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ cũng như khả năng học tập, sinh hoạt, thích ứng của trẻ sau này.

Theo bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phiên bản lần thứ 10 (ICD – 10), định nghĩa: Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa phát triển được xác định bởi một sự phát triển không bình thường và giảm sút biểu hiện rõ rệt trước 3 tuổi, hoạt động bất thường đặc trưng trong 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và những hành vi định hình lặp lại. Rối loạn này thường xuất hiện ở bé trai nhiều hơn.

Gần đây, phiên bản DSM – V mới nhất thay thế các chẩn đoán trước kia bằng một chẩn đoán duy nhất: Rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Hội tự kỷ Mỹ (Autism Society of America – ASA, 2004) định nghĩa về rối loạn phổ tự kỷ như sau: Tự kỷ là rối loạn phát triển phức tạp khởi phát trong vòng 3 năm đầu sau sinh. Tự kỷ xuất hiện do tổn thương về phương diện thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng của não.

1.2. Đại cương về khả năng chú ý

Chú ý là sự nhận thức về những sự việc hiện tại xung quanh, là năng lực tập trung các hoạt động tâm thần vào một hoặc một số đối tượng xác định để các đối tượng đó được phản ánh một cách rõ nét, toàn vẹn nhất vào trong ý thức. Chú ý có vai trò quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống như trường học, công việc và các mối quan hệ. Chú ý cho phép mọi người tập trung vào hoạt động, công việc và hoàn thành nhiệm vụ cụ thể không bị phân tâm bởi các kích thích gây nhiễu.

Theo tác giả Nguyễn Trọng Trung, Nghệ thuật giáo dục trẻ cá biệt, thì “Chú ý” là một trạng thái tâm lý tham gia vào mọi quá trình tâm lý, tạo điều kiện cho một hoặc một số đối tượng được phản ánh tốt nhất. Đâylà một trạng thái tâm lý vì chú ý luôn đi kèm với các quá trình tâm lý khác. “Chú ý” được ví như một ngọn đèn pha chiếu rọi vào một đối tượng nào đó, giúp cho quá trình tâm lý đạt hiệu quả cao. “Chú ý” còn là một trạng thái tổ chức, định hướng các chức năng tâm thần khác. Khi ta chú ý đến cái gì thì các quá trình tri giác, tư duy,…về nó sẽ được nhận thức sâu hơn, còn tất cả những thứ khác không được đặt trong sự chú ý sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu hoặc hoàn toàn không được nhận thức.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường có định hướng “Chú ý” quá tập trung mà sao nhãng các vấn đề khác (Ảnh minh họa)

Theo tác giả Đặng Phương Kiệt “Chú ý” là phần quan trọng nhất trong hoạt động có ý chí. Não bộ phát triển phụ thuộc vào sự chú ý – chú ý chính là liều thuốc vô giá dành cho sự phát triển của não bộ và trẻ chỉ chú ý một cách tự nhiên khi thấy vui nhộn. Sự chú ý sẽ giúp não bộ phát triển và đàn hồi tốt hơn.

II. NỘI DUNG

2.1. Đặc điểm khả năng chú ý của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

Ngoài các biểu hiện đặc trưng về giao tiếp xã hội và tương tác, trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ còn có biểu hiện khác biệt về khả năng chú ý như khả năng định hướng chú ý, chú ý quá tập trung, quá thu hẹp và suy giảm khả năng lọc các yếu tố gây xao nhãng. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn đi kèm phổ biến nhất, với tỷ lệ ước tính từ 22,5 % đến 91,8 %.

Nhiều báo cáochỉ ra rằng phần lớn trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có các vấn đề về chú ý ước tính khoảng 60 – 70%. Sự suy giảm khả năng chú ý thể hiện ở nhiều các lĩnh vực khác nhau như khả năng tập trung, duy trì chú ý, chọn lọc chú ý, chú ý linh hoạt và chú ý chung.

Khả năng định hướng chú ý: là khả năng điều chỉnh ánh mắt và quay đầu về phía có kích thích. Trong một số nghiên cứu, sự suy giảm khả năng định hướng chú ý đến các tín hiệu thị giác, thính giác đã được quan sát thấy ở trẻ nhỏ, là những trẻ sau này được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt là trong những tình huống liên quan đến xã hội, do đó trẻ gặp khó khăn quay đầu và nhìn về hướng ai đó gọi tên mình. Đối với các tình huống phi xã hội thì khả năng này ít bị suy giảm hơn. Suy giảm định hướng chú ý mang tính xã hội được quan sát thấy nhiều trong môi trường tự nhiên hơn khi thực hiện các nhiệm vụ trên máy tính.Vì vậy trẻ chú ý nhiều đến đồ vật và nhiệm vụ có các bước thực hiện rõ ràng, có trình tự. Đây có thể là một gợi ý để người can thiệp giúp cải thiện khả năng định hướng của trẻ.

Một nghiên cứu khác trên trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi, sau này cũng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, trẻ không có khả năng định hướng chú ý đồng thời nghe nhìn bằng cách sử dụng ánh mắt và quay đầu về phía có kích thích. Do đó, trẻ chỉ có thể xử lý được thông tin liên quan đến thị giác hoặc thính giác. Ví dụ:trẻ chỉ có thể quan tâm đến đồ vật hoặc đồ chơi mà không thể hiểu được nhiệm vụ hoặc yêu cầu mà người lớn đưa ra.

Sự suy giảm khả năng định hướng chú ý có thể làm suy giảm khả năng chú ý chung, điều này rất quan trọng cho quá trình phát triển trí tuệ và tương tác xã hội của trẻ.

Trẻ tự kỷ thường có xu hướng tập trung vào một kích thích cụ thể với thời gian lâu hơn (Ảnh minh họa)

Khả năng duy trì chú ý: Duy trì chú ý là khoảng thời gian trẻ tiếp xúc liên tục với kích thích hay quan tâm liên tục đến đối tượng hoặc sự kiện nào đó. Trẻ tự kỷ thường có xu hướng tập trung vào một kích thích cụ thể với thời gian lâu hơn, mức độ lớn hơn so với trẻ bình thường khác cùng lứa tuổi. Nếu cha mẹ hoặc nhà chuyên môn biết cách sử dụng khả năng chú ý này thì có thể đem lại hiệu quả can thiệp nhất định.

Sự tập trung chú ý quá mức có thể cản trở việc nhận thức và tích hợp các kích thích phức tạp, cũng như nhận thức về mối quan hệ giữa các kích thích đó. Điều này cũng đã được nêu ra trong DSM – V “Những sở thích có tính thu hẹp và gắn bó cao, bất thường về cường độ và sự tập trung (ví dụ: gắn kết hoặc bận tâm cao độ với những đồ vật khác thường, những sở thích quá hạn chế hoặc quá dai dẳng)”. Vì vậy trẻ có một số biểu hiện hành vi chú ý bất thường ở khả năng duy trì chú ý. Ví dụ:nhiều trẻ quá cuốn hút và chỉ dành thời gian chơi với chữ cái hoặc chữ số; một số trẻ khác chỉ thích nói về chủ đề khủng long, trong khi đó có một số trẻ chỉ quan tâm đến các loài động vật biển. Trẻ tập trung quá mức vào một kích thích khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi tách khỏi kích thích cũ để định hướng và chuyển sang một kích thích mới.

Tuy nhiên, cũng có một số trẻ tự kỷ khó duy trì chú ý vào hoạt động hoặc nhiệm vụ trong khoảng thời gian phù hợp với lứa tuổi hoặc thời lượng của nhiệm vụ. Chúng chuyển chú ý liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác. Dường như trẻ rất dễ mất chú ý bởi các kích thích, thường xuyên bị xao nhãng bởi các yếu tốmôi trường xung quanh, nên rất dễ bỏ dở nhiệm vụ hoặc hoạt động vì quên nhiệm vụ đang thực hiện. Điều này khiến cha mẹ và người can thiệp rất khó tổ chức các hoạt động can thiệp một cách hiệu quả, đặcặc biệt, trong những tình huống hoặc kích thích có lời nói và tương tác xã hội. Do vậy, cha mẹ và người can thiệp cần thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ lời nói, sắp xếp nhiệm vụ, cách hướng dẫn phù hợp với khả năng chú ý của trẻ,giúp trẻ nâng cao khả năng chú ý  và có thể dạy các kỹ năng trẻ còn hạn chế.

Khả năng lựa chọn chú ý: trẻ khó xác định được kích thích hoặc nhiệm vụ nào cần ưu tiên thực hiện trước (Ảnh minh họa)

Khả năng lựa chọn chú ý: Đây là khả năng phân biệt các loại kích thích, kích thích nào là quan trọng để chú ý và lờ đi những kích thích không quan trọng. Biểu hiện nổi bật của trẻ tự kỷ về khả năng này là trong cùng một thời điểm có 2 kích thích trở lên cùng xuất hiện, trẻ khó xác định được kích thích hoặc nhiệm vụ nào cần ưu tiên thực hiện trước, kích thích hoặc nhiệm vụ nào là thứ yếu nên thực hiện sau hoặc không cần thực hiện. Ví dụ: kích thích 1 là yêu cầu của mẹ – đi dép để đi chơi (kích thích quan trọng), kích thích 2 là ô tô đồ chơi chạy đến và kích thích 3 tiếng nhạc trên ti vi (2 kích thích không quan trọng), cùng xuất hiện thì trẻ sẽ chú ý đến kích thích không quan trọng là ô tô đồ chơi hoặc tiếng nhạc trên ti vi mà không quan tâm chú ý đến yêu cầu của mẹ là đi dép. Sự suy giảm khả năng lựa chọn chú ý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học các kỹ năng hoặc thực hiện những nhiệm vụ có nhiều bước vì trẻ khó xác định được bước nào cần thực hiện trước và bước nào cần thực hiện sau. Ví dụ như kỹ năng tháo dép quai hậu. Để tháo được dép quai hậu trẻ phải thực hiện bước 1 tháo quai dán hoặc quai cài, bước 2 đẩy dép ra khỏi chân. Tuy nhiên, trẻ thường có xu hướng thực hiện bước 2 đẩy dép ra khỏi chân trong khi chưa thực hiện bước quan trọng là phải tháo quai dán hoặc quai cài trước.

Khả năng chú ý linh hoạt: Đây là khả năng linh hoạt tự phát chuyển chú ý từ một nhiệm vụ, hoạt động này sang nhiệm vụ,  hoạt động khác mà không quên hoặc gián đoạn nhiệm vụ, hoạt động trước đó. Sự chú ý linh hoạt liên quan đến sự thay đổi chú ý nhiều lần và thường xuyên giữa hai hay nhiều nhiệm vụ hoặc hoạt động. Ví dụ như khi trẻ đang tập trung tô màu, mẹ nhờ trẻ lấy cái túi, trẻ có thể dừng hoạt động tô màu, đi lấy túi đưa mẹ rồi quay lại nhiệm vụ tô màu. Hoặc khi trẻ đang tô màu, mẹ hỏi “Con tô gì đấy”, trẻ có thể vừa tô vừa trả lời “Con tô con voi”. Tuy nhiên với nhiều trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, khi có kích thích mới, một là trẻ không để ý đến các kích thích đó, hoặc trẻ sẽ chuyển sang kích thích mới và quên kích thích, nhiệm vụ trước đó. Trong trường hợp trên thì trẻ tự kỷ sẽ quên nhiệm vụ tô màu, đi lấy túi cho mẹ rồi chuyển sang nhiệm vụ khác mà không quay lại được nhiệm vụ tô màu hoặc trẻ sẽ không thể chuyển sang nhiệm vụ lấy túi cho mẹ. Nếu trẻ có những khó khăn về khả năng duy trì chú ý, lựa chọn chú ý chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chú ý linh hoạt.

Khả năng chú ý chung: là trẻ có khả năng tuân theo hướng nhìn, cử chỉ và sự hướng dẫn của người khác để đáp lại sự chú ý chung (Ảnh minh họa)

Khả năng chú ý chung: Chú ý chung liên quan đến khả năng chia sẻ chú ý giữa 2 người với cùng một đối tượng. Đây là khả năng để nhận ra và phản ứng với các đòi hỏi, yêu cầu về chú ý mà người khác đưa ra. Tức là trẻ có khả năng tuân theo hướng nhìn, cử chỉ và sự hướng dẫn của người khác để đáp lại sự chú ý chung của người đó. Nhiều trẻ tự kỷ rất khó khăn khi làm theo hướng dẫn của cha mẹ và người can thiệp, trẻ chỉ chú ý đến mối quan tâm của trẻ mà không chú ý đến đồ vật, hoạt động mà người khác chú ý. Vì vậy trẻ rất khó khăn khi chuyển sang một cách chơi mới hoặc học các kỹ năng mới khi có sự hướng dẫn của người can thiệp. Mặt khác, để khởi xướng sự chú ý chung trẻ phải sử dụng cử chỉ và giao tiếp bằng mắt để thu hút chú ý của người khác nhằm mục đích chia sẻ niềm vui hoặc mối quan tâm, nhưng trẻ tự kỷ ít khi biết chia sẻ niềm vui của bản thân hoặc chỉ cho người khác biết mối quan tâm của mình. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ – Một trong những triệu chứng cốt lõi của rối loạn phổ tự kỷ.

Khả năng chú ý chung tạo điều kiện cho các năng lực nhận thức xã hội phức tạp hơn được tiếp tục phát triển và có tính dự đoán về phát triển các kỹ năng ngôn ngữ hiện tại và sau này, đặc biệt là khả năng bắt chước. Viện Y tế Quốc gia và Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng khả năng chú ý chung đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của trẻ tự kỷ. Việc thiếu những kỹ năng này thường là dấu hiệu sớm của rối loạn tự kỷ và giúp xác định xem có cần can thiệp sớm hay không. Nếu trẻ tự kỷ gặp khó khăn về một hoặc nhiều khả năng chú ý như khả năng định hướng, duy trì, khả năng lựa chọn, chú ý linh hoạt thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chú ý chung. Sự phát triển không đầy đủ của khả năng chú ý chung là sự bất thường, đặc trưng ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của  trẻ. Trên thực tế, sự thiếu hụt khả năng chú ý chung có thể đóng vai trò như chỉ số chẩn đoán quan trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và có thể được phát hiện trước khi xuất hiện các triệu chứng khác của rối loạn phổ tự kỷ. Như vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng sự suy giảm chú ý chung tạo nên sự thiếu hụt cốt lõi ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Dường như có sự đồng thuận rằng sự phát triển không đầy đủ của khả năng chú ý chung là tình trạng bất thưởng ở trẻ và cần có sự can thiệp sớm tích cực nhằm cải thiện những thiếu hụt đó.

Hiểu được đặc điểm chú ý ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có ý nghĩa rất lớn đối việc tổ chức các hoạt động can thiệp. Giáo viên và cha mẹ cần thiết kế các hoạt động sao cho phù hợp với đặc điểm chú ý của từng trẻ để có thể cải thiện năng lực chú ý bởi vì khả năng chú ý được coi là nền tảng cho sự phát triển, là tiền đề cho việc học các kỹ năng giao tiếp – tương tác xã hội, vận động, ngôn ngữ và nhận thức.

ThS.BSCKII. Thành Ngọc Minh; ThS.BS Nguyễn Mai Hương; ThS.TL Nguyễn Thị Hồng Thúy;
ThS.ĐD Nguyễn Thị Thanh Nhàn; ThS.GDĐB Mai Thị Xuân Thu; ĐDCKI. Nguyễn Thị Đào
Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em