Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng, có thể do bẩm sinh, nhưng phần lớn là sau các phẫu thuật ống tiêu hoá (cắt phần lớn ruột non). Sau phẫu thuật, phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi để duy trì chức năng của hệ tiêu hóa bình thường, khó có thể hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cần thiết để nuôi sống cơ thể dẫn đến trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng nặng và có thể tử vong.
Hỗ trợ dinh dưỡng – Yếu tố quan trọng trong liệu trình điều trị hội chứng ruột ngắn
Đang chăm sóc con trai 35 tháng tuổi mắc hội chứng ruột ngắn, chị Phương Linh (Hà Nội) cho biết, bé Bảo Nam khi sinh hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi từ bệnh viện về nhà, do chị không đủ sữa nên cho con uống thêm sữa non dạng gói tự mua ngoài cửa hàng. Khi được 5 ngày tuổi, bé Bảo Nam đi ngoài ra máu đen, chướng bụng nhiều và được gia đinh đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán là viêm ruột hoại tử và phẫu thuật cắt phần ruột bị hoại tử lúc 5 ngày tuổi và 35 ngày tuổi, đồng thời làm hậu môn nhân tạo. Sau phẫu thuật, đoạn ruột còn lại của trẻ chỉ còn dài khoảng 40cm.
‘‘Sau một thời gian dài được các bác sĩ tại Khoa Dinh dưỡng và Trung tâm Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương hết lòng cứu chữa và chăm sóc tích cực, hiện con đã được đóng hậu môn nhân tạo, tăng cân và sức khoẻ tốt’’ – chị Phương Linh xúc động chia sẻ.
Một trường hợp khác là bé Minh Hằng (3 tháng tuổi, ở Ninh Bình), mẹ bé cho biết khi chị mang thai được 32 tuần thì phát hiện con bị phình đại tràng. Sau khi sinh, bé bị chướng bụng nhiều và không có phân su. 6h tuổi, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và điều trị. Tại đây, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán là tắc ruột bẩm sinh và được phẫu thuật cắt đoạn ruột bị tắc, đồng thời đưa đoạn ruột ra ngoài tạo hậu môn nhân tạo lúc 2 ngày tuổi. Sau phẫu thuật, đoạn ruột còn lại của trẻ dài 110cm. Hiện tại, trẻ đang được điều trị hội chứng ruột ngắn tại khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau phẫu thuật cắt một phần ruột non, bé Bảo Nam và Minh Hằng đều mắc hội chứng ruột ngắn. Cả 2 trẻ sau khi được làm hậu môn nhân tạo và nuôi dưỡng bằng phương pháp “hoàn hồi” thì đều mang lại kết quả khả quan trong điều trị. Trẻ có thể hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hoá trong quá trình chờ ruột dài ra và thích nghi, tạo cơ hội để trẻ được đóng hậu môn nhân tạo trong thời gian sớm nhất và có thể ăn được bằng đường miệng hoàn toàn.
Hy vọng mới cho trẻ không may mắc hội chứng ruột ngắn
Theo TS. BS Lưu Thị Mỹ Thục, ruột gồm có ruột non và ruột già (còn gọi là đại tràng). Bình thường chiều dài ruột gấp 6 lần chiều dài cơ thể. Ở trẻ sơ sinh đủ tháng ruột non có chiều dài 270cm và khoảng 4 tuổi chiều dài của ruột gần tương đương như người lớn 450-550cm, đại tràng dài 75-100cm. Người trưởng thành ruột non dài 600cm và đại tràng dài 150cm.
Ruột non là bộ phận quan trọng của ống tiêu hoá, có nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng, đồng thời giúp cho chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột vào máu. Ruột non giữ vai trò chính trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng, ruột già có chức năng chủ yếu là hấp thu nước, một số vitamin và muối khoáng.
Với các bệnh nhi mắc hội chứng ruột ngắn, đặc biệt là những trường hợp chiều dài ruột của trẻ còn lại quá ngắn, nếu không được nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng không tốt, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng nặng và nguy cơ tử vong rất cao.
Thông thường, mọi người quan tâm nhiều tới thuốc và các thủ thuật, ít chú ý tới tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhi. Trong khi đó, việc điều trị bệnh ngoài dùng thuốc, can thiệp ngoại khoa còn phải đảm bảo cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể, giúp trẻ duy trì hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể, tạo điều kiện cho việc điều trị thuốc và các can thiệp y khoa phát huy hiệu quả – Bác sĩ Thục cho hay.
Trong mọi trường hợp, nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa là lựa chọn ưu tiên nếu không có chống chỉ định, bởi đây là con đường sinh lý nhất, đơn giản nhất, ít biến chứng và ít chi phí nhất, đặc biệt giúp cho ruột hồi phục nhanh nhất sau phẫu thuật. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi ăn trực tiếp bằng các loại sữa thủy phân, các y bác sĩ khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Nhi Trung ương còn thực hiện phương pháp nuôi dưỡng khác là “hoàn hồi”, với mục đính giúp trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Khi thực hiện phương pháp “hoàn hồi”, trẻ sẽ được làm hậu môn nhân tạo có đầu trên thông với ruột non, đầu dưới thông với ruột già. Hậu môn nhân tạo có vai trò chứa đựng các chất không hấp thu hết từ đoạn ruột trên thải ra. Chất lỏng trong hậu môn nhân tạo sẽ được bơm vào đoạn ruột dưới hậu môn nhân tạo giúp trẻ hấp thu thêm các chất dinh dưỡng còn lại.
Đặc biệt, với những trẻ chiều dài đoạn ruột còn lại quá ngắn, khi nuôi ăn bằng đường miệng thông thường thì toàn bộ enzym tiêu hóa tiết ra từ dạ dày sẽ không được hấp thu hết. Khi sử dụng phương pháp “hoàn hồi”, lượng enzym tiêu hóa cùng các chất dinh dưỡng còn lại được bơm vào đầu ruột phía dưới để giúp trẻ hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể – Bác sĩ Thục giải thích.
“Hoàn hồi” là phương pháp nuôi dưỡng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm sự bài tiết dịch ruột, kéo dài thời gian hấp thu các chất dinh dưỡng của ruột non; phòng ngừa thiếu hụt các chất dinh dưỡng đặc hiệu; giúp hấp thu tối ưu các chất dinh dưỡng: góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của trẻ; kích thích sự thích nghi của đoạn ruột còn lại; giúp kiểm soát cân bằng dịch và các chất điện giải.
Bác sĩ Thục chia sẻ: Trước đây bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn hầu như rất khó qua khỏi, sự ra đời của các loại sữa thủy phân đã cứu sống được rất nhiều trẻ tuy nhiên với các trẻ có độ dài ruột còn quá ngắn thì tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Từ khi Khoa áp dụng phương pháp nuôi dưỡng “hoàn hồi” đã cứu thêm được nhiều bệnh nhi có độ dài ruột còn lại rất ngắn.
Trong 1 năm qua, Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng Trung tâm Ngoại tổng hợp đã áp dụng thành công phương pháp nuôi dưỡng “hoàn hồi” trong điều trị và hỗ trợ dinh dưỡng cho tất cả những trẻ có chiều dài của ruột non còn lại quá ngắn và đại tràng hầu như còn nguyên. Việc áp dụng phương pháp nuôi dưỡng này đã mở ra nhiều hy vọng cho trẻ không may mắc hội chứng ruột ngắn, mang tới cho trẻ tương lai phát triển bình thường như bao em nhỏ khác.
Khi được chỉ định nuôi dưỡng bằng phương pháp này, gia đình bệnh nhi cần phối hợp chặt chẽ và thực hiện đúng những hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ – TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục khuyến cáo.
- Cha mẹ có mong muốn khám sức khoẻ toàn diện và tư vấn dinh dưỡng cho bé bình thường và bệnh lý cần can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt có thể đăng kí thăm khám tại: Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương (tất cả các ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6).
- Hoặc liên hệ theo hotline: 0024 6273 8838.
*Tên của người nhà và bệnh nhi đã được thay đổi
Thu Hương – Vy Hiếu – Phòng Truyền thông & Chăm sóc khách hàng
Ảnh: Lê Hiếu