Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Sưng hạch ở trẻ em

Sưng hạch ở trẻ em

1. Hạch là gì?

Hạch (còn gọi là hạch bạch huyết hay hạch lym pho) là một bộ phận của hệ bạch huyết trong cơ thể. Hệ bạch huyết gồm có dịch bạch huyết, mạch bạch huyết, amidal, tuyến ức, lá lách và các hạch lympho. Tổng cộng có trên 600 hạch bạch huyết trong cơ thể. Theo đó, một phần trong số đó nằm bên dưới bề mặt của da, một số khác lại nằm sâu trong khoang ngực, khoang bụng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

2. Chức năng của hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Trong dịch bạch huyết có chứa các tế bào bạch cầu và các thứ khác giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Khi chất dịch này di chuyển qua mạch bạch huyết (một mạng lưới tĩnh mạch chạy song song với hệ thống tuần hoàn máu), được lọc bởi các hạch bạch huyết. Bất kỳ một điều gì bất thường, ví dụ như các tác nhân truyền nhiễm hay tế bào ung thư sẽ bị bắt giữ để trung hòa.

Ngoài ra, hạch bạch huyết cũng có thể đáp ứng với hiện tượng dị ứng xảy ra trên da hoặc gần mũi, họng và tai. Vì vậy, hạch bạch huyết có thể bị sưng nếu trẻ bị côn trùng cắn hoặc bị sốt. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể.

3. Vị trí của hạch bạch huyết

Các hạch bạch huyết nằm khắp cơ thể người, bao gồm:

3.1. Hạch phía ngoài cơ thể sát da

  • Chẩm (phía sau đầu), phía trước và sau tai
  • Dưới hàm và dưới cằm, mặt, phía trên xương đòn
  • Cổ tử cung trước và sau
  • Phía trên xương đòn, nách, dưới khuỷu tay
  • Khoeo chân
  • Bẹn (ở vùng háng).

3.2. Hạch bên trong cơ thể

  • Hạch ở vùng ngực (trung thất)
  • Hạch trong ổ bụng (ví dụ: hạch mạc treo), vùng sinh dục.

Bệnh hạch bạch huyết có thể khu trú hoặc lan rộng. Bệnh hạch bạch huyết toàn thân thường nghiêm trọng hơn và có thể liên quan đến nhiễm virus, rối loạn tự miễn dịch hoặc các bệnh ít phổ biến như ung thư hoặc bệnh lao.

4. Nguyên nhân gây sưng hạch ở trẻ em

Nhiều trẻ nhỏ thường bị sưng các hạch do bị nhiễm trùng vùng tổ chức lân cận, dẫn đến phản ứng ở các hạch gần vị trí nhiễm trùng nhất. Nguyên nhân gây sưng hạch có thể là:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, bao gồm cảm lạnh và cúm
  • Viêm họng nhiễm khuẩn.
  • Trẻ bị sâu răng
  • Viêm hạch bạch huyết, trong đó một hạch bạch huyết bị nhiễm trùng
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm, gây ra bởi virus Epstein-Barr
  • HIV, trong đó bệnh hạch bạch huyết là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng sớm
  • Bệnh lý ung thư
  • Bệnh do mèo cào, do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra
  • Do côn trùng cắn như Ricketsia (sốt mò)
  • Hạch do lao: hạch phản ứng do tiêm phòng lao và bệnh lao (Lao hạch – viêm hạch do vi khuẩn lao).
  • Bệnh Kawasaki
  • Lupus ban đỏ (bệnh tự miễn).

5. Triệu chứng sưng hạch bạch huyết ở trẻ em

Hạch bạch huyết xuất hiện khi cơ thể trẻ đang chống lại tình trạng nhiễm trùng, lúc này các hạch sẽ sưng lên. Trẻ em chính là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên, các bệnh nhiễm trùng mới mắc, bởi vậy hạch bạch huyết của trẻ thường to hơn người lớn. Những dấu hiệu này cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng, do đó cha mẹ trẻ không cần phải lo lắng quá nhiều nếu thấy trẻ nổi hạch bạch huyết.

Trên thực tế, hạch vùng cổ của trẻ có thể sờ thấy, thậm chí ngay cả khi trẻ khỏe mạnh. Nếu hạch có kích thước nhỏ hơn 2cm, không đau, di động, không sưng nóng, có thể thấy 1 hoặc vài hạch liên tiếp nhau nhưng không dính vào nhau và trẻ không có biểu hiện gì khác thì phần lớn là hạch bình thường, có thể có một số hạch đặc biệt là ở vùng cổ, nách và bẹn.

Nếu phát hiện trẻ có hạch kèm theo một số triệu chứng khác như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, trẻ bị sụt cân, mệt mỏi và đổ mồ hôi về đêm có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó cần được bác sĩ khám và tư vấn.

6. Chẩn đoán

Sưng hạch ở trẻ thường được phát hiện bởi gia đình. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá của bác sĩ nhi khoa để xác định tình trạng hạch: kích thước, vị trí, tính đồng nhất (mềm, chắc hoặc cao su), sưng đỏ đau, di động hay không, để tư vấn cho gia đình trẻ hoặc có kế hoạch điều trị phù hợp.

Hạch vùng cổ, nách và bẹn là những nơi dễ sờ thấy nhất. Sưng hạch vùng này thấy ở gần một nửa số trẻ em từ 3-5 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh.

Một số các cận lâm sàng có thể được chỉ định ở trẻ bị sưng hạch

  • Siêu âm để đánh giá vị trí, hình dạng, kích thước và cấu trúc của hạch.
  • Sinh thiết, chọc hút kim nhỏ trong một số trường hợp cần thiết.
  • Một số các xét nghiệm thăm dò khác để tìm nguyên nhân liên quan đến sưng hạch, ví dụ: Xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh …tùy thuộc vào các biểu hiện khác đi kèm sưng hạch.

7. Trẻ cần đến cơ sở y tế khi nào?

Khi có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ nổi hạch toàn thân.
  • Hạch có kích thước lớn hơn 25mm.
  • Hạch vẫn to và tồn tại sau điều trị.
  • Hạch sưng to lan sang các vị trí khác trên cơ thể.
  • Các hạch sưng có tính chất cứng, không đau và không di động.
  • Trẻ bị sụt cân không giải thích được hoặc trẻ bị đổ mồ hôi đêm.
  • Hạch vùng cổ sưng to gây khó thở, khó nuốt.
  • Vùng da chỗ hạch sưng đỏ.
  • Trẻ kêu đau ở vùng hạch sưng.
  • Trẻ bị đau họng.
  • Trẻ dưới 1 tháng tuổi.
  • Hạch sưng to ở nhiều nơi.
  • Không có lý do giải thích cho tình trạng hạch sưng to.

8. Điều trị sưng hạch ở trẻ em như thế nào?

  • Điều trị theo nguyên nhân: tùy theo nguyên nhân gây sưng hạch mà trẻ được xử trí theo các phác đồ phù hợp, ví dụ: sưng hạch do nhiễm khuẩn cần sử dụng kháng sinh, sưng hạch do nhiễm vi rút chỉ cần điều trị triệu chứng.
  • Nếu sưng hạch phản ứng do tiêm phòng lao, hầu hết chỉ theo dõi mà không cần phải điều trị, trừ khi hạch to có biểu hiện apxe hóa.
  • Nếu sưng hạch do viêm nhiễm thực sự, khi đó hạch to, da vùng hạch đỏ và đau nhiều, có thể trẻ cần được dùng kháng sinh và dẫn lưu nhiễm trùng.
  • Việc sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol hoặc Ibuprofen là cần thiết khi trẻ sốt trên 38,5oC hoặc đau.
  • Chú ý: tránh sờ, nắn hạch thường xuyên, làm cho hạch không thể nhỏ lại như bình thường. Thông thường, kích thước hạch sẽ trở lại bình thường một cách chậm chạp từ 2 – 4 tuần sau điều trị, có thể sẽ không biến mất hoàn toàn.

Cha mẹ thường lo lắng khi phát hiện sưng hạch ở trẻ. Thực tế, sưng hạch không phải là một tình trạng quá nguy hiểm nhưng cũng không vì thế mà chủ quan không cho trẻ đi khám.

Để kiểm soát tốt hơn, cha mẹ chú ý theo dõi hoặc đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân gây sưng hạch và có biện pháp xử lý thích hợp nhất. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi phát hiện thấy trẻ bị sưng hạch, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đi khám tại các đơn vị sau, để được đến khám và tư vấn về tình trạng sưng hạch:

  • Khoa khám bệnh đa khoa
  • Khoa khám bệnh chuyên khoa
  • Trung tâm Quốc tế

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hằng – Khoa Khám bệnh Đa khoa
Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em