Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn Bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.
Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9/2022, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Trước diễn biến các ca mắc Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng tăng cao, Bệnh viện đã nhanh chóng ban hành các tài liệu, văn bản hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm Adenovirus.
1. Sàng lọc, tiếp nhận và cách ly điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus
Các đơn vị có khám bệnh trong Bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú. Đồng thời phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm Adenovirus hoặc các trường hợp các xác định nhiễm Adenovirus.
2. Tổ chức phòng cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus
Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Đồng thời, các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh. Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
3. Bệnh viện xây dựng tiêu chuẩn nhập viện và chuyển tuyến dưới đối với người bệnh Adenovirus tại các khoa lâm sàng
Tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau:
- Khó thở: Thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.
- Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu: Tím, SpO 2 < 94%
- Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.
- Bệnh nền nặng: Bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…
- Tổn thương trên X-quang phổi: Tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi, TDMP, TKMP.
Tiêu chuẩn chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn:
- Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím.
- Giảm khó thở.
- Hết sốt.
- Ăn được bằng đường miệng.
- Các rối loạn nặng đã được kiểm soát.
4. Cập nhật phác đồ điều trị Adenovirus mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị
Dựa trên việc tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, giúp mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị cho trẻ.
5. Thông báo, phối hợp với các đơn vị liên quan
Thông báo và cập nhật đầy đủ, nhanh chóng tình hình đến:
- Bộ Y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng về tình hình trẻ nhiễm Adenovirus tăng nhanh
- Sở Y tế Hà Nội để tăng cường khả năng thu dung người bệnh tại các cơ sở Nhi khoa
Đối với các bệnh viện tuyến dưới: Bệnh viện tổ chức tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Adenovirus cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời phối hợp phân loại, chuyển tuyến dưới điều trị những trường hợp bệnh nhi đủ điều kiện.
Do đã có sự chủ động và kịp thời ứng phó trước diễn biến của bệnh Adenovirus nên cho đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đảm bảo công tác thu dung và điều trị người bệnh Adenovirus, không xảy ra tình trạng quá tải, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh, không phải nằm ghép với các bệnh nhi khác.
Phòng Thông tin điện tử