Có khoảng 10 – 20% bệnh nhân mắc Kawasaki (KD: Kawasaki disease) không đáp ứng với liệu pháp immunoglobulin đường tĩnh mạch (IVIG), bệnh nhân KD kháng IVIG có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng tim mạch, trong đó đáng chú ý là phình động mạch vành (Conorary artery aneurysms – CAA). Các nghiên cứu di truyền chỉ ra rằng sự đa hình nucleotid đơn (SNPs) trong con đường calcineurin/NFAT có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh Kawasaki, khả năng kháng với điều trị IVIG cũng như xuất hiện CAA. Cyclosporine (CSA) là một chất ức chế calcineurin với khả năng ức chế kích hoạt tế bào T được lựa chọn trong điều trị cho các trường hợp Kawasaki có biến chứng CAA hoặc kháng trị với IVIG. Chúng tôi tóm tắt thông tin của một nghiên cứu đơn trung tâm nhằm mô tả diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị của bệnh nhân KD được sử dụng CSA.
1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
1.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu hồi cứu tại Bệnh viện Nhi Rady, San Diego giai đoạn 2013-2023, bao gồm 28 bệnh nhân KD được điều trị bằng CSA vì CAA (với Z-score động mạch liên thất trước (LAD) hoặc động mạch vành phải (RCA) ≥ 2,5 trong 2 tuần đầu) hoặc kháng trị (sốt vẫn tồn tại hoặc xuất hiện trở lại trong 36h sau khi truyền IVIG hoăc trong 24h sau dùng infliximab. Tất cả 28 bệnh nhân KD (bao gồm 21 bệnh nhân KD có CAA và 7 bệnh nhân KD kháng trị) được theo dõi trong 1 năm. Z-score là chỉ số biểu thị mức độ lệch chuẩn của đường kính động mạch vành của bệnh nhân so với giá trị trung bình của trẻ khỏe mạnh cùng độ tuổi và kích thước cơ thể.
1.2. Phương pháp nghiên cứu
Thu thập dữ liệu về nhân khẩu học, xét nghiệm cận lâm sàng, thuốc, biến cố bất lợi và siêu âm tim đánh giá Z-scores của LAD và RCA. CSA được dùng đường uống với liều 4 – 11 mg/kg/ngày, chia 2 lần hoặc đường tĩnh mạch rồi chuyển qua đường uống. Bệnh nhân được bổ sung ma-giê, giảm liều CSA 10% mỗi 3 ngày đến khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng lâm sàng cải thiện, CRP ≤ 1.0 mg/dL hoặc sau 10 ngày điều trị. Phác đồ chuẩn hóa được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu.
2. Kết quả nghiên cứu chính
2.1. Đặc điểm bệnh nhân
Tuổi trung vị của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 1 tuổi, trong đó có 72,7% bệnh nhân nam, 30,3% bệnh nhân đa chủng tộc. 72,7% bệnh nhân được chuẩn đoán KD điển hình (Theo tiêu chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ). Trung vị Z-score ban đầu: LAD 2,6, RCA 1,6.
2.2. Hiệu quả điều trị
Với 25 bệnh nhân điều trị CAA, Z-score cải thiện ở tuần 2 (LAD: 2,5, RCA: 2,0) và tuần 6 (LAD: 2,0, RCA: 1,3) so với ban đầu (LAD: 2,8, RCA 2,0) . Sau 1 năm (21 bệnh nhân), Z-score LAD và RCA giảm còn 1,2 và 0,7. Trong 8 bệnh nhân kháng trị, Z-score LAD và RCA cũng cải thiện lần lượt từ 1,8 và 1,0 xuống 1,4 và 0,0 sau 2 tuần, dù dữ liệu tuần 6 không đầy đủ. Thời gian điều trị CSA trung vị là 28 ngày với CAA và 41 ngày với các trường hợp kháng trị.
2.3. Biến cố bất lợi
Có 2 trường hợp biến chứng nghiêm trọng trong đó có một bệnh nhân bị rối loạn tăng sinh lympho liên quan đến Epstein-Barr virus (EBV) và một bệnh nhân bị hội chứng bệnh não sau có hồi phục (PRES). Cả hai đều hồi phục sau ngừng CSA.
2.4. Phác đồ
Khởi đầu bằng CSA đường uống (Neoral) hiệu quả hơn đường tĩnh mạch có thể do tránh được vấn đề kỹ thuật trong lấy máu định lượng nồng độ hoặc khi chuyển từ đường tiêm sang đường uống, và giảm thời gian nằm viện.
3. Kết luận
CSA được dung nạp tốt ở phần lớn bệnh nhân KD có CAA hoặc kháng trị và giúp cải thiện tình trạng động mạch vành sau 2 tuần, 6 tuần và 1 năm sau điều trị. Hai trường hợp gặp biến cố bất lợi nghiêm trọng gồm nhiễm EBV và PRES đều hồi phục sau khi ngừng CSA. Nghiên cứu cung cấp hướng dẫn liều lượng và nhấn mạnh cần theo dõi sát quá trình điều trị.
4. Kiến nghị
- Cần có các thử nghiệm lâm sàng tốt để đánh giá hiệu quả và an toàn của CSA cũng như các chất ức chế tín hiệu canxi khác trong điều trị KD kháng trị hoặc CAA.
- CSA đường uống (Neoral, 5 mg/kg/ngày, chia 2 lần) có thể là lựa chọn cho bệnh nhân KD kháng trị hoặc có CAA, nồng độ 2 giờ sau tiêm cần đạt 300 – 600 ng/mL, dùng kèm magiê và có kế hoạch giảm liều dần trước khi dừng thuốc.
- Theo dõi chặt chẽ các biến cố bất lợi, đặc biệt khi kết hợp CSA với steroid do nguy cơ ức chế miễn dịch mạnh.
Biên tập: ThS.DS. Trần Nhật Minh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: The Journal of Pediatric 2025 DOI: 10.1016/j.jpeds.2025.114479