Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Dậy thì sớm ở trẻ em

Dậy thì sớm ở trẻ em

Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).

1. Dậy thì sớm là gì 

Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).

Các biểu hiện của dậy thì bao gồm: tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể.

Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:

  • Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormon kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.
  • Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận ở trẻ trai, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormon nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.

Ngoài hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, hoặc mọc lông sinh dục sớm nhưng là sự khác biệt của bình thường chứ không phải bệnh lý.

2. Tại sao con tôi bị dậy thì sớm trung ương

– Đa số là vô căn, có thể do di truyền, hiếm gặp hơn là  do u não (hay gặp hơn ở trẻ trai), các bất thường não bẩm sinh, tổn thương hệ thần kinh trung ương như chấn thương, nhiễm trùng.

– Tại Hoa Kỳ hiện đang có sự gia tăng những bé dậy thì sớm của bình thường và bệnh dậy thì sớm, có thể liên quan đến sự gia tăng mức độ béo phì ở trẻ em, và đây là một lý do nữa để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho bé của bạn.

3. Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm

– Nếu bạn nghĩ rằng trẻ đang có dấu hiệu bệnh dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến bác sỹ NỘI TIẾT NHI.

– Tại lần khám đầu tiên, bác sỹ chuyên khoa sẽ:

  • Hỏi bạn về các biểu hiện của trẻ và thăm khám tình trạng của trẻ
  • Đo chiều cao, cân nặng của trẻ
  • Các xét nghiệm có thể được chỉ định: chụp X-quang xương cổ tay của trẻ để tìm hiểu xem xương có đang phát triển với tốc độ bình thường so với tuổi của trẻ hay không; siêu âm buồng trứng và tử cung xem có phát triển nhiều hơn so với mức độ của trẻ cùng tuổi. Các xét nghiệm hormon tĩnh và động để đánh giá mức độ bài tiết hormon LH của tuyến yên. Có thể cần chụp thêm 1 số hình ảnh X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để tìm nguyên nhân dậy thì sớm. Các xét nghiệm được lựa chọn do các các bác sỹ chuyên khoa quyết định dựa trên việc thăm khám cho trẻ.

Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện vào buổi sáng. Trẻ có thể ăn uống bình thường trước khi xét nghiệm.

4. Tại sao phải điều trị dậy thì sớm

– Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.

– Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.

5. Con tôi có phải điều trị không?

Từ kết quả khám và các xét nghiệm, bác sỹ chuyên khoa sẽ xem xét việc điều trị có mang lại lợi ích cho con bạn hay không để quyết định.

Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho bé bao gồm:

  • Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán;
  • Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị;
  • Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.

Nếu các bác sỹ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác sỹ chuyên khoa sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.

6. Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương là gì?

Cách thức để điều trị là dùng một thuốc đồng vận LHRH hoặc đồng vận GnRH (GnRHa). Thuốc này tạo ra hiệu ứng sinh học trên tuyến yên, dẫn đến ngắt tín hiệu từ não đến buồng trứng hoặc tinh hoàn, làm dừng quá trình sản xuất hocmon sinh dục do đó làm chậm hoặc dừng bệnh dậy thì sớm.

Thuốc thường được tiêm vào trong cơ (tiêm bắp sâu). Có 2 loại: tiêm 1 mũi tác dụng kéo dài 28 ngày hoặc tiêm một mũi tác dụng kéo dài trong 3 tháng. Các bác sỹ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ sau khi đã trao đổi kỹ với gia đình.

Trong khoảng 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, một vài triệu chứng có thể xuất hiện như: thay đổi tính khí, tăng nhẹ kích thước tuyến vú và ra máu âm đạo nhẹ. Những triệu chứng này có thể biến mất sau vài tuần.

Bé sẽ được theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Điều trị thường xuyên và chính xác theo hướng dẫn của bác sỹ là rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị của trẻ.

Việc điều trị sẽ dừng lại khi trẻ được 10- 11 tuổi, hoặc sớm hơn tuỳ từng bé. Khi dừng điều trị, hormon sinh dục lại được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu, kinh nguyệt bắt đầu hoặc có trở lại sau 12 đến 18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái, trẻ trai vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.

7. Vì sao nên đến Bệnh viện Nhi Trung uơng để chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm

– Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện có trên 20 năm kinh nghiệm nhất trong cả nước về chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm. Hiện tại, khoa Nội tiết- Chuyển hoá- Di truyền đang quản lý và điều trị gần 2500 bệnh nhân dậy thì sớm trên khắp cả nước .

– Bé sẽ được thăm khám bởi đội ngũ bác sỹ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, thường xuyên được đào tạo qua các khoá học, hội nghị trong và ngoài nước.

Quý khách hàng có thể lựa chọn thăm khám và theo dõi điều trị bệnh dậy thì sớm tại Trung tâm Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền và Liệu pháp phân tử,  Bệnh viện Nhi Trung ương:

– Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Phòng D128 – D130, Khoa Khám bệnh chuyên khoa (Tầng 1, nhà A). Thời gian khám: từ 7h – 16h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày lễ, Tết). ĐT: 024 6274 7706.

– Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Trung tâm Quốc tế. Thời gian khám: từ 7h30 – 16h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết). ĐT: 0862 33 55 66.

Trung tâm Nội tiết, chuyển hóa, di truyền và Liệu pháp phân tử
Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em