Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Dinh dưỡng điều trị chậm tăng trưởng ở trẻ em

Dinh dưỡng điều trị chậm tăng trưởng ở trẻ em

(Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

1. Khái niệm về tăng trưởng bình thường và chậm tăng trưởng ở trẻ em

1.1. Tăng trưởng bình thường

Sau sinh, chiều dài trung bình của trẻ khoảng 50cm, trong năm đầu chiều cao của trẻ tăng 3,5-3,8cm/tháng trong 3 tháng đầu, 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng trung bình 2cm, chiều cao lúc 1 tuổi gấp rưỡi khi sinh.

Sau 1 tuổi, mỗi năm trẻ tăng 5cm (1-10 tuổi). 6 tuổi trẻ cao từ 105cm -115cm. Tăng trưởng chiều cao giai đoạn 11-12 tuổi tăng 7-8cm/năm. 13-15 tuổi tăng 8-9 cm/năm. Sau khi dậy thì hoàn toàn tốc độ tăng trưởng chậm lại để đạt chiều cao trưởng thành.

1.2. Chậm tăng trưởng

Chậm tăng trưởng chiều cao khi chiều cao theo tuổi < -2SD so với quần thể tham khảo cùng tuổi giới, chủng tộc.

Chậm tăng trưởng có thể xảy ra ở các thời kỳ khác nhau (giai đoạn bào thai, giai đoạn nhũ nhi, giai đoạn tiền dạy thì và dậy thì) hoặc suốt cuộc đời của trẻ.

Trong bài viết này tập trung chủ yếu vào chậm tăng trưởng chiều cao. Trẻ có tầm vóc thấp có thể là biểu hiện của suy dinh dưỡng hay có thể là do cách tăng trưởng của trẻ được thừa hưởng di truyền của cha mẹ hoặc xảy ra mà không có căn nguyên rõ rệt. Điển hình chậm tăng trưởng này xảy ra trong giai đoạn thơ ấu, tốc độ tăng trưởng chậm mặc dù có thể vẫn trong giới hạn cho phép. Chậm tăng trưởng thường gây ra kết quả là tầm vóc thấp và chậm dậy thì. Hiện nay, chậm tăng trưởng là vấn đề phổ biến trong nhi khoa và được rất nhiều cha mẹ quan tâm.

2. Trẻ bị chậm tăng trưởng có thể do những nguyên nhân nào?

Chậm tăng trưởng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố (15% bệnh nhân có tầm vóc thấp là do liên quan đến nội tiết), nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, rối loạn tâm lý tình cảm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ gồm dinh dưỡng 32%, môi trường 25%, di truyền 23%, rèn luyện 20%.

Gen: đóng vai trò quan trọng

  • Rối loạn về nhiễm sắc thể hay gen. VD như hội chứng Down do bất thường nhiễm sắc thể gây chậm phát triển ở trẻ (có thể ở một hay nhiều khía cạnh như chậm tăng trưởng, vận động, tâm thần…)
  • Gen của bố/mẹ hoặc cả hai cùng thấp. Tuy thấp nhưng họ là cha mẹ khỏe mạnh nên con họ cũng khỏe mạnh nhưng thấp nhất là thấp hơn 5% so với cha mẹ ở cùng tuổi. Tuy thấp nhưng chúng cũng có thể đạt được chiều cao của một trong hai bố mẹ chúng. Trẻ ở trong các gia đình có cha mẹ có tầm vóc thấp thì khoảng 23% trẻ cũng có tầm vóc thấp. Lùn có tính chất gia đình: chiều cao thấp do gia đình di truyền. Trẻ thường chậm dậy thì. Hầu hết trẻ này cuối cùng có xu hướng phát triển chiều cao tương đương với cha mẹ của chúng.

Bệnh lý nội tiết: liên quan đến sự thiếu hụt hay thừa hocmon nào đó mà ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ trong thời kỳ nhũ nhi hay lúc dậy thì ví dụ như thiếu hóc môn tăng trưởng, suy giáp, hội chứng turner, hội chứng Cushing, hội, hội chứng Down, hội chứng Prader-Willi.

Bất thường về xương. Có hơn 50 bệnh về xương ảnh hưởng đến chiều cao và tăng trưởng, trong đó có nhiều bệnh do di truyền.

Dậy thì sớm (trẻ nữ dậy thì trước 8 tuổi, trẻ nam dậy thì trước 10 tuổi):

  • Ban đầu trẻ cao so với trẻ cùng tuổi, nhưng do quá trình trưởng thành xương nhanh chóng, đóng xương sớm và gây chiều cao trưởng thành thấp
  • Cho đến nay, khó khăn nhất là các bệnh lý về Nội tiết- di truyền gồm bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn hormone, thiếu hóc môn tăng trưởng.

Môi trường: gây chậm tăng trưởng của trẻ xảy ra trước hoặc sau khi sinh ví dụ như tình trạng mẹ bị suy dinh dưỡng hay nhiễm độc, nhiễm khuẩn (HIV, sởi…).  Trẻ có thể bị phơi nhiễm với nhiều yếu tố nguy cơ từ môi trường và từ đó tạo thành vòng xoắn tác động lên sự tăng trưởng của trẻ và càng làm cho trẻ chậm tăng trưởng với mức độ trầm trọng hơn.

Bệnh thực thể:

  • Đặc biệt một số bệnh lý như thận, tim, đường tiêu hóa, phổi, xương, nội tiết làm cho trẻ chậm tăng trưởng. Những trẻ này có biểu hiện của chậm tăng trưởng đồng thời có biểu hiện của bệnh lý kèm theo. Tuy nhiên chậm tăng trưởng là biểu hiện đầu tiên của bệnh.
  • Nhìn chung gồm các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến việc nạp đủ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể.
  • Các bệnh lý bẩm sinh của tế bào trong quá trình mang thai, hạn chế phát triển trong tử cung

Dinh dưỡng:

  • Không có chậm tăng trưởng đơn thuần nhưng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lý gây ra chậm tăng trưởng. Thường hay gặp là trẻ ngay từ lúc sinh có tăng cân chậm hay sụt cân trong vài ngày đầu sau đó trẻ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với bình thường hoặc không tăng trường, ngừng tăng cân. Nguyên nhân hay gặp hàng đầu là do cung cấp dinh dưỡng không đủ và thường xảy ra ở trẻ < 3 tuổi.
  • Suy dinh dưỡng: là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng không bắt kịp tăng trưởng trên thế giới. Suy dinh dưỡng ngăn cản trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Chế độ ăn uống cân bằng thường ngăn ngừa hoặc khắc phục điều này. Ngay cả khi trẻ bị chậm tăng trưởng do các nguyên nhân là bệnh lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng cũng giúp trẻ có chiều cao trưởng thành tốt nhất có thể.

Vô căn:

  • Có một số rối loạn tăng trưởng là vô căn, có nghĩa là không xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề tăng trưởng.
  • Tuy nhiên, những trẻ chậm tăng trưởng bắt buộc phải kiểm tra để loại trừ hết các nguyên nhân bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ để cho thuốc kịp thời, đồng thời hỗ trợ dinh dưỡng cho sự phát triển tối ưu nhất mà trẻ có thể đạt được.

3. Hậu quả chậm tăng trưởng ở trẻ

Chậm tăng trưởng không ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh tật và tử vong bởi vì đứa trẻ vẫn phát triển trong giới hạn bình thường chứ không phải là bệnh. Tuy nhiên, ở một vài cá thể nó có thể ảnh hưởng nặng đến tâm lý của trẻ nên trẻ thu mình ít giao tiếp xã hội, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây thấy trẻ chậm tăng trưởng có nguy cơ giảm khối lượng xương ở tuổi trưởng thành bởi vì chậm có ảnh hưởng của hoc môn sinh dục và nội tiết lên hệ xương trong quá trình dậy thì.

4. Làm thế nào để xác định trẻ bị chậm tăng trưởng?

4.1. Đặc điểm lâm sàng

Chậm tăng trưởng thường xảy ra trong một thời gian dài nên triệu chứng khởi đầu thường không rõ và ở giai đoạn muộn được biểu hiện là trẻ có tầm vóc thấp và kéo dài sẽ gây chậm dậy thì.

Điển hình là đường cong biểu diễn tăng trưởng của trẻ thấp trong 3 năm đầu đời. Tốc độ và đường cong tăng trưởng, tăng cân đều chậm hoặc luôn ở ngưỡng dưới của giới hạn bình thường và biểu hiện có thể sớm ngay từ 3-6 tháng tuổi và kéo dài 2-3 tuổi. Khi mà trẻ có thể giành lại tốc độ tăng trưởng ở mức bình thường thì thường trẻ vẫn ở trong giới hạn thấp của sự tăng trưởng và điều này nhiều khi kéo dài cho đến tận tuổi tiền dậy thì.

Ở giai đoạn dậy thì, chiều cao của những trẻ này bị lệch ra khỏi đường cong tăng trưởng do trẻ chậm dậy thì. Giai đoạn dậy thì là giai đoạn có khả năng trẻ bắt kịp tăng trưởng, sự tăng trưởng đột phá trong giai đoạn dậy thì có thể kéo dài hơn so với thông thường và kết quả là trẻ vẫn có thể có tầm vóc khi trưởng thành như bình thường và phát triển sinh dục cũng bình thường.

Tuy rằng chậm tăng trưởng nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường chứ không phải là rối loạn tăng trưởng nhưng sự chậm tăng trưởng và dậy thì cũng như phát triển giới tính cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần và nhiều khi nặng vẫn cần phải điều trị.

Khi thăm khám lâm sàng cần đặt câu hỏi:

  • Trẻ thường xuyên ở ngưỡng dưới hay dưới ngưỡng của đường cong tăng trưởng? Trẻ khởi đầu tăng trưởng tốt sau đó xuất hiện chậm tăng trưởng? Nhiều khi trẻ sinh ra có thể chất hoàn toàn bình thường. Sự giảm tốc độ tăng trưởng thể chất (cân nặng, chiều cao) thường xảy ra lúc trẻ 3-6 tháng tuổi. Tốc độ chậm tăng trưởng hay hồi phục của các trẻ rất khác nhau tùy thuộc vào mỗi cá thể, giai đoạn phát triển và dinh dưỡng, tuy nhiên hầu hết các trẻ thường đạt được tốc độ tăng trưởng vào lúc 2-3 tuổi tuy nhiên trong suốt thời kỳ thơ ấu đường biểu diễn tăng trưởng của trẻ song song hoặc dọc theo cận dưới của đường cong tăng trưởng.
  • Trẻ có phát triển các kỹ năng, chức năng tâm thần và xã hội bình thường không?
  • Trẻ có ăn tốt không? Những loại thức ăn nào mà trẻ thích ăn? Cách thức cho trẻ ăn?
  • Chiều cao/ cân nặng của cha mẹ trẻ
  • Các triệu chứng khác kèm theo? Trẻ đã sử dụng phương thức gì hay thuốc gì để điều trị?

4.2. Cận lâm sàng (tùy từng căn nguyên mà có chỉ định khác nhau)

– Xét nghiệm cơ bản: Công thức máu, canxi, phospho, phosphatase kiềm, albumin, vi chất khác

– Nghi ngờ bệnh lý thận: creatinine, điện giải đồ, nước tiểu

  • Xét nghiệm hóa sinh máu và phân để đánh giá sự hấp thu chất dinh dưỡng
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • XQ tuổi xương: thường chậm (điển hình là chậm 2-4 năm so với tuổi thực) và thường tương ứng với tuổi chiều cao thấp của trẻ (chiều cao/tuổi của những trẻ này thường ở mức ≤ 50th percentile) so với tuổi thực. Chụp hệ thống xương ở những trẻ có nghi ngờ loạn sản xương như những trường hợp có bất thường tỷ lệ các phần của cơ thể, hoặc những trẻ có chậm tăng trưởng chiều cao dưới chiều cao trung bình của bố mẹ và phải được các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh đọc.
  • Định lượng hóc môn, NST, chụp MRI hoặc scan để kiểm tra tuyến yên

– Bệnh lý nội tiết: TSH, FT4, GH và IGF1…Nhiễm sắc thể cần được chỉ định ở những trẻ bị lùn chưa giải thích được nguyên nhân hay trẻ bị lùn có kèm theo bất thường giới tính.

– Bệnh lý tiêu hóa mạn: tùy biểu hiện mà chỉ định xét nghiệm cho phù hợp

4.3. Chẩn đoán

Trẻ thường xuyên được kiểm tra cân nặng và chiều cao, thăm khám sức khỏe định kỳ. Việc điều trị chậm tăng trưởng không khẩn cấp hơn nữa chẩn đoán cũng như phát hiện ra thường muộn nên quan trọng nhất là theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì trẻ có thể bắt kịp được về tăng trưởng như các trẻ khác.

Tiêu chuẩn chẩn đoán không/ chậm/ ngừng tăng cân; suy dinh dưỡng gồm:

  • Cân nặng theo tuổi < 3 percentile
  • Chiều cao theo tuổi < 3 percentile. Chiều cao/ tuổi < -1SD khi trẻ sau 2 tuổi
  • Cân nặng < 80% của cân nặng theo tuổi thực hoặc BMI theo tuổi nếu trẻ >5 tuổi.
  • Trì hoãn tăng trưởng 4-8 tháng liên tiếp.
  • Cân nặng < 5 percentile trên 1 lần
  • Cân nặng giảm qua 2 đường percentile
  • Không tăng được số gram trên ngày như khuyến nghị. (1-6 tháng trẻ tăng 30 g/ ngày, 6-12 tháng: 15 g/ ngày, 12-24 tháng: 10 g/ ngày, 5 g/ ngày cho đến 5 tuổi)

Để phát hiện một trẻ chậm tăng trưởng và tìm ra nguyên nhân chậm tăng trưởng của trẻ cần thăm khám tỉ mỉ, đánh giá:

  • Tiền sử bản thân: tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, trẻ có bệnh lý như đẻ non hay bệnh lý mạn tính làm tăng tỷ lệ bị chậm tăng trưởng. Tiền sử sản khoa để phát hiện những bất thường về tăng trưởng trong giai đoạn bào thai, những bất thường trong giai đoạn chu sinh cùng với những tiền sử bệnh tật, phát hiện những dấu hiệu triệu chứng của những bệnh mạn tính, tiền sử dùng thuốc. Cần phải đánh giá các vấn đề về nhận thức của trẻ và bố mẹ.
  • Tiền sử nuôi dưỡng: cân nặng khi sinh, tốc độ tăng cân nặng, chiều cao, thói quen ăn uống, nuôi con bằng sữa mẹ, thời điểm ăn dặm, cách cho ăn bổ sung, chế độ ăn hiện tại (phương pháp hỏi ghi thói quen ăn uống, hỏi ghi chế độ ăn 24h, tần suất tiêu thụ thực phẩm…)
  • Những thăm khám lâm sàng gồm các biểu hiện về ngoại hình (bộ mặt bất thường có thể chỉ ra dấu hiệu của bệnh mạn tính hoặc nội tiết), cân nặng, chiều cao, lớp mỡ dưới da, phù…, tỷ lệ phân bố các phần của cơ thể, và tình trạng dậy thì. Đặc biệt chú ý đến khả năng bố mẹ kết hôn cùng huyết thống, thời gian dậy thì của bố mẹ cũng như chiều cao của các thành viên trong gia đình ở thế hệ thứ nhất và thứ hai.
  • Để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ sử dụng biểu đồ tăng trưởng đặc trưng cho quần thể và chủng tộc. Đối với những trẻ được nhận làm con nuôi từ các nước đang phát triển, nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng của đất nước sinh ra thế hệ đầu tiên.

5. Làm thế nào để điều trị trẻ bị chậm tăng trưởng có hiệu quả?

5.1. Nguyên tắc điều trị dinh dưỡng cho trẻ chậm tăng trưởng:

 Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng bằng cách:

  • Tăng số bữa ăn.
  • Cung cấp thức ăn trẻ yêu thích.
  • Cung cấp các thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao.
  • Cung cấp đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng.

5.2. Điều trị cụ thể

+ Nhu cầu năng lượng của trẻ bình thường:

Với trẻ bình thường: Năng lượng cần cho sự tăng trưởng là 40% tổng nhu cầu năng lượng ở tháng đầu tiên, 35% trong 3 tháng đầu đời, sau đó nhanh chóng giảm xuống 17,5% ở 3 tháng tiếp theo và 5% lúc 12 tháng và 2-3% ở năm thứ hai và duy trì 1-2% ở tuổi thanh thiếu niên và giảm không đáng kể sau 20 tuổi.

Với trẻ đẻ non hoặc suy dinh dưỡng: Tốc độ tăng trưởng sẽ rất cao có thể tăng gấp 20 lần ở trẻ thấp cân, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tăng gấp 5 lần ở trẻ thấp còi hay còi cọc so với trẻ thường.

Bảng 1:  Nhu cầu năng lượng theo tuổi của trẻ bình thường

Tuổi

Nhu cầu

< 3 tháng

110 Kcal/kg/ngày

3-6 tháng

100 -110 Kcal/kg/ngày

> 6 tháng

100 Kcal/kg/ngày

1-3 tuổi

90- 95 Kcal/kg /ngày

3-6 tuổi

80 -90 Kcal/kg /ngày

6-9 tuổi

70- 80 Kcal/kg /ngày

9-12 tuổi

60-70 Kcal/kg /ngày

12-15 tuổi

50- 60 Kcal/kg /ngày

15-18 tuổi

40-50  cal/kg /ngày

Khuyến nghị về nhu cầu năng lượng cho trẻ chậm phát triển là 120–200 kcal/kg/ngày (Nhu cầu cho Tuổi x Cân nặng lý tưởng ÷ Cân nặng thực tế). Tuy nhiên, phương pháp này thường ước tính quá mức nhu cầu năng lượng của trẻ. Một cách tiếp cận thiết thực hơn là nhắm tới nhu cầu của trẻ về lượng calo theo độ tuổi và sau đó bổ sung 10% đến 20% lượng calo bổ sung cho đến khi trẻ đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường theo độ tuổi. Lượng calo tăng dần được dung nạp tốt hơn ở trẻ chậm tăng trưởng.

+ Nhu cầu protein đối với trẻ chậm tăng trưởng tương tự như nhu cầu về protein đối với trẻ khỏe mạnh.

+ Nhu cầu một số vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm và vitamin D đảm bảo tối ưu nhất có thể. Vì vậy, trẻ em có chậm tăng trưởng cần được đánh giá về tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng này và bổ sung khi cần thiết. Trong hầu hết các trường hợp, một loại vitamin tổng hợp sẽ đủ để đảm bảo lượng vi chất dinh dưỡng cần thiết.

5.3. Lựa chọn thực phẩm

Thực phẩm nên dùng:

  • Sữa và các sản phẩm của sữa có nhiều canxi, và một vài chất dinh dưỡng khác. Sữa nên uống 200ml -400ml /ngày nếu trẻ ăn đủ lượng thịt, cá. Nếu chưa ăn đủ thịt cá thì lượng sữa nên dùng là 300ml-500ml/ngày. Công thức sữa cao năng lượng rất hữu ích trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng, chất béo và giàu
  • Thịt lợn, gà, cá, trứng ăn hàng ngày hoặc thường xuyên vì chúng cung cấp nhiều sắt, kẽm. Trường hợp nếu trẻ không nhận đủ lượng cá, thịt, sữa thì chế độ ăn đảm bảo đầy đủ đậu đỗ, gạo hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ protein. Nếu sữa trong chế độ ăn hàng ngày không đủ thì nên tìm nguồn thức ăn dồi dào canxi như đủ đủ, bí ngô, đậu xanh, cải bắp, cá cũng là nguồn thực phẩm có nhiều canxi.
  • Thực phẩm nhiều vitamin A: sữa mẹ, gan, lòng đỏ trứng. Hoa quả như cam, đu đủ, xoài. Rau như cà rốt, bí ngô, cà chua. Các loại rau có màu xanh thẫm.
  • Thức ăn nhiều kẽm: gan, lòng đỏ trứng, sò
  • Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, xoài, chuối, dưa hấu, cà chua, súp lơ, rau xanh tuy nhiên khi nấu chín thức ăn thì vitamin C bị mất đi một ít.
  • Canxi: có nhiều trong sữa và các chế phẩm của sữa, cá.
  • Thực phẩm có nhiều vitamin B: gan, trứng, sữa, rau xanh, đậu đỗ.

B6: có nhiều trong thịt lợn, gà, cá, chuối, rau xanh, khoai tây

Folat: có nhiều trong cam, chanh, rau xanh.

Thực phẩm hạn chế:

  • Không cho trẻ dùng các nước uống có giá trị dinh dưỡng thấp như nước ngọt công nghiệp, chè, soda v..v. Nước ép hoa quả dùng mức độ vừa phải không quá 240 ml/ngày nếu không trẻ quá no và không thể ăn những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao.

5.4. Nguyên tắc cho ăn

  • Trực tiếp cho trẻ ăn với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và hỗ trợ để trẻ tự ăn với trẻ trên 2 tuổi để trẻ biết có cảm giác no và đói. Nuôi ăn qua sonde dạ dày được chỉ định ở số trẻ không thể đạt được sự phát triển bình thường chỉ với ăn đường miệng thì phải được cho ăn bằng sonde (chỉ định cho ăn qua sonde)
  • Cho trẻ ăn chậm và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn hết suất nhưng không được ép hay nhồi nhét trẻ ăn.
  • Thức ăn đa dạng và phong phú, mùi vị thơm ngon hấp dẫn trẻ. Chế biến món ăn theo sở thích của trẻ chứ không phải của cha mẹ.
  • Tránh làm sao lãng trẻ trong bữa ăn bằng các hính thức tivi, quảng cáo, chơi đồ chơi

Lựa chọn sữa cho trẻ chậm tăng trưởng

Cần đánh giá tình trạng bệnh lý dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng của trẻ để lựa chọn các loại sữa phù hợp theo bệnh lý và tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Với trẻ đang bú mẹ cần bổ sung các yếu tố cần thiết cho bà mẹ và hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú đúng cách để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua sữa mẹ.

Trẻ chậm tăng trưởng cần lựa chọn các loại sữa cao năng lượng phù hợp theo tuổi để cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.

Lựa chọn sữa cho trẻ chậm tăng trưởng nên được các bác sỹ dinh dưỡng tư vấn cho phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bệnh lý trẻ mắc phải để vừa giúp trẻ phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần vừa góp phần trong quá trình điều trị bệnh.

6. Các can thiệp khác

Nếu sự thất bại trong tăng trưởng chủ yếu là do các nguyên nhân môi trường, cần chú trọng can thiệp vào các dịch vụ xã hội và giáo dục để cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái.

Khi sự thất bại trong tăng trưởng là do tương tác cho ăn kém, thì liệu pháp xoay quanh các thay đổi kiến thức và thực hành cho ăn của cha mẹ, đồng thời cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển.

Nếu sự đồng hóa các chất dinh dưỡng là vấn đề chính, trẻ có thể cần phải tránh các loại thực phẩm cụ thể và nhận các công thức dễ hấp thu hoặc các enzym thay thế, ngoài việc tăng lượng calo và chất dinh dưỡng cho cả sự phát triển và thay thế các chất bị mất đi.

Cuối cùng, nếu chậm tăng trưởng do các vấn đề về chuyển hóa, thì trẻ có thể cần thức ăn công thức đặc biệt được điều chỉnh để đáp ứng các hạn chế về chức năng chuyển hóa và chức năng cơ quan cụ thể đồng thời nhận lại đủ calo và chất dinh dưỡng để đáp ứng tiềm năng phát triển và nhu cầu cụ thể của trẻ.

7. KHI NÀO TRẺ CẦN ĐƯỢC ĐI KHÁM?

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi có những tiêu chẩn chẩn đoán chậm tăng trưởng, khởi điểm là cân nặng và chiều cao không đủ tiêu chuẩn theo biểu đồ tăng trưởng. Khoa Dinh dưỡng lâm sàng – Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám tư vấn bệnh nhi chậm tăng trưởng, tư vấn dinh dưỡng, tư vấn ăn bổ sung, tư vấn các vấn đề liên quan dinh dưỡng như chán ăn, thiếu vi chất… Ba mẹ cho con đi khám vào giờ hành chính các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, để được thăm khám, xét nghiệm và tư vấn tỉ mỉ. Xin liên hệ khoa Dinh dưỡng lâm sàng theo số máy: 024.62738838.

BS. Nguyễn Thị Hằng Nga, BS. Trần Thị Na
Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em