Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Hội chứng thận hư ở trẻ em

Hội chứng thận hư ở trẻ em

A. Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư là một bệnh lý ở thận gây ra bài tiết một lượng lớn protein trong nước tiểu, dẫn đến protein trong máu thấp. Thông thường, protein ngăn không cho nước thấm qua thành mạch vào các mô. Trong hội chứng thận hư, lượng protein trong máu thấp cho phép nước thấm vào các mô, khiến các tế bào biểu mô bị sưng phồng, hiện tượng sưng này được gọi là “phù”. Tất cả các mô cơ thể đều có thể bị phù, nhưng những vị trí phù rõ nhất là bụng, chân, mặt, dương vật và bìu. Do đó, hội chứng thận hư là tình trạng protein mất nhiều qua nước tiểu, dẫn đến giảm protein trong máu và gây ra phù.

B. Nguyên nhân của hội chứng thận hư?

Thể hội chứng thận hư thường gặp nhất là hội chứng thận hư đáp ứng với steroid. Nguyên nhân của thể này vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Đúng như tên gọi, thể này đáp ứng tốt với các loại steroid (chẳng hạn như prednisolon). Hội chứng thận hư hay gặp nhất là ở trẻ 2-3 tuổi, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này. Nhiều trẻ bị thận hư cũng có thể bị mắc các tình trạng bệnh khác có nguyên nhân là dị ứng (như hen, chàm, cảm mạc), nhưng người ta chưa xác định được yếu tố dị ứng đặc biệt nào gắn với các trẻ mắc trẻ mắc hội chứng thận hư. Hội chứng thận hư còn có nhiều thể khác nữa, thường được xếp vào nhóm có tên là hội chứng thận hư kháng steroid. Những trường hợp này cần điều trị khác nhau và có tiến triển khác nhau.

C. Một số thuốc chủ yếu dùng trong hội chứng thận hư

– Một loại thuốc steroid có tên prednisolone được dùng để điều trị cho những trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư. Trong 90% các trường hợp, thuốc này giúp đẩy lui bệnh hoàn toàn. Protein trong nước tiểu cũng như phù đều biến mất. Những trẻ này thuộc nhóm hội chứng thận hư đáp ứng với setroid.

– Để đẩy lui bệnh, cần dùng một liều Prednisolone khá cao mỗi ngày trong vòng vài tuần. Những liều cao này thường được dung nạp tốt và không có tác dụng phụ. Bạn có thể nhận thấy mặt trẻ hơi tròn ra và ăn khỏe hơn trong thời gian sử dụng setroid liều cao.

– Bạn sẽ được hướng dẫn cách dùng que thử bằng nhựa để kiểm tra lượng protein trong nước tiểu của trẻ hàng ngày vào buổi sáng. Que thử sẽ nguyên màu vàng nếu không có protein trong nước tiểu, hay chuyển sang các màu xanh lá cây khác nhau, tùy thuộc vào lượng protein có trong nước tiểu. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên xem nên cho trẻ uống bao nhiêu. Nếu bị phù to, trẻ có thể cần truyền albumin để thay thế tạm thời albumin trong máu. Albumin không làm ngưng protein trong nước tiểu, nhưng có thể giúp giảm phù phần nào. Trẻ có thể cần được truyền albumin liên tục cho đến khi bệnh thuyên giảm (gọi là thời kỳ lui bệnh). Khi trẻ bị phù, nên tránh ăn các thức ăn mặn.

D. Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đến viện?

Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám hoặc tư vấn của bác sĩ chuyên khoa thận khi:

  • Con bạn có protein trong nước tiểu được 4 ngày
  • Con bạn tăng hơn 1kg trong thời kỳ tái phát
  • Trẻ bị chân tay lạnh, hoặc đau bụng trong thời kỳ tái phát
  • Trẻ bị sốt hoặc nôn mửa trong thời gian điều trị
  • Trẻ bị phơi nhiễm với thủy đậu trong thời gian điều trị.

E. Tại sao cần phải theo dõi?

  • Kết quả kiểm tra nước tiểu sẽ cho thấy con bạn có đáp ứng với quá trình chữa bệnh hay không.
  • Nếu con bạn có lượng protein trong nước tiểu cao (2+) trong ba ngày liên tiếp, đó có thể là biểu hiện của hội chứng thận hư tái phát và bạn nên thông báo cho bác sĩ và điều dưỡng biết.
  • Nếu trẻ không có protein trong nước tiểu trong vòng ít nhất ba ngày, trẻ đang trong thời kì lui bệnh và sẽ chóng khỏe mạnh.
  • Sổ theo dõi ghi chép đầy đủ và chính xác sẽ giúp các bác sĩ nhận định tốt hơn về tình trạng sức khỏe chung của đứa trẻ cũng như hiệu quả của quá trình chữa bệnh. Bạn nên mang theo sổ theo dõi mỗi lần cho trẻ đi khám.

Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về cách nhận biết triệu chứng của hội chứng thận hư để để trẻ được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa thận (kể cả sáng thứ 7 và chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám bệnh thận tại các đơn vị sau:

  • Phòng khám chuyên khoa thận tại khoa Khám bệnh Chuyên khoa và khoa Khám bệnh Đa khoa
  • Trung tâm Quốc tế.

Dương Thanh Bình, Nguyễn Thu Hương
Khoa Thận và lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em