Chiều 25/9, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong điều trị một số bệnh trẻ em”.
Tham gia nghiên cứu đề tài là tập thể các nhà khoa học đang công tác tại các khoa học hiện đang công tác tại các khoa: Huyết học lâm sàng, Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Ngân hàng máu, Xét nghiệm huyết học, Xét nghiệm di truyền ….
Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS Khu Thị Khánh Dung – Phó Giám đốc bệnh viện.
Thư ký đề tài: PGS. TS Bùi Văn Viên – Khoa Huyết học lâm sàng.
Đề tài được thực hiện trong 3,5 năm, với một khối lượng công việc rất nhiều đã ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc từ tủy xương đồng loại, tế bào máu cuống rốn và tế bào máu ngoại vi tự thân cho 15 ca bệnh tại bệnh viện Nhi Trung ương. Trong đó có 8 ca Thalassmia, 4 ca suy tủy và 3 ca ly thượng bì bọng nước bẩm sinh. Kết quả 10 ca ghép trên đã thành công, các bệnh nhân đang được theo dõi từ 1 đến 3 năm đều rất ổn định, các cháu đều đi học , không phải truyền máu cấp. Có 2 trường hợp không mọc mảnh ghép đang chuẩn bị tiến hành ghép lại.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Trung Phấn, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cùng các nhà khoa học trong hội đồng đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu và những thành công của đề tài. Hội đồng cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng việc điều trị một số bệnh hiểm nghèo ở trẻ em tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện nay, chi phí điều trị cho mỗi ca ghép tế bào gốc tại bệnh viện Nhi Trung ương khoảng 500-600 triệu đồng, trong khi đó chi phí tại các nước trong khu vực khoảng 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) cho một ca ghép.
Có thể nói, ứng dụng thành công phương pháp ghép tế bào gốc trong một số bệnh nan y đã mở ra một tương lai và hy vọng cho các cháu bệnh nhi chẳng may mắc các bệnh hiểm nghèo lại được tiếp tục sống và hòa nhập với cộng đồng.