Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đường uống cho trẻ em

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đường uống cho trẻ em

Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ trẻ có tình trạng tăng huyết áp là khoảng 2-5% 1. Tăng huyết áp trên trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng ngắn hạn cũng như dài hạn, bao gồm cả bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính. Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho trẻ em cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên nguyên nhân tăng huyết áp (nguyên phát hay thứ phát), mức độ tăng huyết áp và cơ chế tác dụng của thuốc 2.

1. Đại cương về tăng huyết áp trên trẻ em

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP – American Academy of Pediatrics), việc chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em cần dựa vào độ tuổi, huyết áp tâm thu và tâm trương so với các giá trị bách phân vị 3 (Bảng 1).

Bảng 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp trên trẻ em 3

AAP cũng đưa ra khuyến cáo về thời điểm cần cân nhắc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp trên trẻ em theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bảng 2. Khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp 3

2. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho trẻ em

2.1. Lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp

Mục tiêu chung của điều trị tăng huyết áp ở trẻ em, bao gồm cả tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát, là đạt được mức huyết áp giúp giảm nguy cơ tổn thương cơ quan đích và giảm nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch khi trưởng thành. Theo khuyến cáo, mức huyết áp mục tiêu là < 90th bách phân vị hoặc < 130/80mmHg (tùy theo mức nào thấp hơn). Việc điều trị tăng huyết áp cần kết hợp giữa các biện pháp thay đổi lối sống (áp dụng chế độ ăn lành mạnh, hoạt động thể chất hay giảm cân) với việc sử dụng thuốc hạ áp 3.

Trong trường hợp trẻ cần sử dụng thuốc, các nhóm thuốc được khuyến cáo đầu tay là ức chế men chuyển angiotensin (ACEI), chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), chẹn kênh calci. Đối với trẻ có tăng huyết áp trên nền đái tháo đường, bệnh thận mạn hoặc protein niệu, ACEI và ARB được khuyến cáo ưu tiên trừ khi có chống chỉ định. Theo khuyến cáo của AAP, có thể phối hợp các thuốc hạ áp nếu đã sử dụng tới liều tối ưu mà chưa đạt đích điều trị, phác đồ phối hợp bao gồm ACEI/ARB/chẹn kênh calci dùng đồng thời với lợi tiểu thiazid, hoặc ACEI/ARB dùng đồng thời với chẹn kênh calci. Không phối hợp ACEI và ARB do làm tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn 3.

Người bệnh cần được theo dõi trong quá trình điều trị, mỗi 4 – 6 tuần để điều chỉnh liều và/hoặc phối hợp các thuốc hạ áp đến khi đạt được mức huyết áp mong muốn. Sau khi đạt đích, thời gian theo dõi có thể kéo dài thành mỗi 3 – 4 tháng 3.

2.2. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Ức chế men chuyển angiotensin – ACEI (-pril)

Cơ chế tác dụng 4,5

 – Ức chế thụ thể AT1:

  • Giãn mạch, hạ huyết áp
  • Giảm tiết aldosteron thượng thận, giảm tái hấp thu Na+, giữ K+, hạ huyết áp
  • Ức chế yếu tố phát triển: giảm phì đại cơ tim, giảm phì đại mạch máu

 – Ức chế chuyển hóa bradykinin là chất trung gian trong quá trình viêm từ đó làm giãn mạch, giảm tái hấp thu Na+, hạ huyết áp

 – Phù hợp cho người bệnh đái tháo đường do tăng vận chuyển glucose vào tế bào, tăng nhạy cảm với insulin

Các hoạt chất đại diện

Tác dụng không mong muốn quan trọng

 – Suy thận cấp: Các thuốc ACEI ảnh hưởng tới hoạt động của thụ thể AT1, thụ thể này tập trung nhiều ở động mạch thận đi hơn động mạch đến. Vì vậy, sử dụng ACEI sẽ gây giãn động mạch đi, giảm áp suất lọc và có thể dẫn tới suy thận cấp.

 – Tích lũy bradykinin: Cơ chế của ACEI ức chế quá trình phân hủy bradykinin, tăng nồng độ bradykinin trong cơ thể, có thể gây phù thanh quản, phù mạch ngoại vi, phù Quincke, ho khan.

 – Tăng kali máu: ACEI làm tăng giữ kali, dẫn tới tình trạng tăng kali máu trên người bệnh.

Chẹn thụ thể angiotensin II – ARB (-sartan)

Cơ chế tác dụng 4

ARB hoạt động theo cơ chế ức chế thụ thể AT1, từ đó có tác dụng tương tự nhóm ACEI nhưng không tác động đến quá trình chuyển hóa bradykinin.

Hoạt chất đại diện

Tác dụng không mong muốn quan trọng

Tương tự ACEI, nhóm ARB cũng có tác dụng không mong muốn gây suy thận cấp và tăng kali máu. Tuy nhiên, ARB không làm tích lũy bradykinin và thường được dùng thay thế ACEI trong trường hợp không dung nạp hoặc có tác dụng không mong muốn.

Chẹn kênh calci

Cơ chế tác dụng 4,5

Các thuốc chẹn kênh calci ngăn calci vào trong tế bào, từ đó ức chế quá trình co mạch, co cơ tim, có tác dụng làm giãn mạch, giảm co bóp cơ tim, chậm nhịp tim, hạ huyết áp.

Hoạt chất đại diện

Tác dụng không mong muốn quan trọng

  • Tác dụng trên tim: giảm nhịp tim, block nhĩ thất, giảm co bóp cơ tim, suy tim
  • Tác dụng trên mạch: giãn mạch quá độ, hạ huyết áp quá mức, phản xạ nhịp tim nhanh, phù mạch

Lợi tiểu thiazid 3

Lợi tiểu nhóm thiazid có thể được sử dụng làm thuốc điều trị khởi đầu (trong trường hợp không thể sử dụng các thuốc đầu tay), hoặc trong phác đồ phối hợp điều trị. Dùng đồng thời lợi tiểu thiazid làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp như ACEI, ARB, chẹn beta giao cảm.

Chẹn beta giao cảm 3

Các thuốc có cơ chế chẹn beta giao cảm không được khuyến cáo điều trị khởi đầu trên trẻ em, tuy nhiên có thể dùng phối hợp trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với tất cả phác đồ trên. Khi cần sử dụng, nên ưu tiên các thuốc chẹn beta chọn lọc như atenolol, metoprolol và bisoprolol do khả năng dung nạp tốt hơn, thời gian tác dụng dài hơn propranolol.

3. Kết luận

ACEI, ARB và chẹn kênh calci là những thuốc đầu tay được ưu tiên trong điều trị tăng huyết áp không cấp tính ở trẻ em. Lợi tiểu thiazid là thuốc thay thế, hoặc sử dụng phối hợp khi người bệnh không đáp ứng với phác đồ ban đầu. Khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho trẻ em cần lưu ý lựa chọn nhóm thuốc có cơ chế tác dụng phù hợp với căn nguyên tăng huyết áp, đồng thời theo dõi hiệu quả hạ huyết áp cũng như các tác dụng không mong muốn để đảm bảo sử dụng thuốc tối ưu, an toàn.

Tài liệu tham khảo

1. Falkner B, Gidding SS, Baker-Smith CM, et al. Pediatric Primary Hypertension: An Underrecognized Condition: A Scientific Statement From the American Heart Association. Hypertension. Jun 2023;80(6):e101-e111. doi:10.1161/HYP.0000000000000228
2. Chu PY, Campbell MJ, Miller SG, Hill KD. Anti-hypertensive drugs in children and adolescents. World J Cardiol. May 26 2014;6(5):234-44. doi:10.4330/wjc.v6.i5.234
3. Flynn JT, Kaelber DC, Baker-Smith CM, et al. Clinical Practice Guideline for Screening and Management of High Blood Pressure in Children and Adolescents. Pediatrics. Sep 2017;140(3)doi:10.1542/peds.2017-1904
4. Katzung BG, Kruidering-Hall M, Tuan RL, Vanderah TW, Trevor AJ. Katzung & Trevor’s Pharmacology Examination & Board Review, 12e. McGraw-Hill Education; 2019.
5. Brunton LL, Hilal-Dandan R, Knollmann BC. Goodman & Gilman’s The Pharmacological Basis of Therapeutics, 13e. McGraw-Hill Education; 2017.
6. UptoDate. Captopril: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.
7. UptoDate. Lisinopril: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.
8. UptoDate. Irbesartan: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.
9. UptoDate. Losartan: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.
10. UptoDate. Amlodipine: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.
11. UptoDate. Nifedipin: Pediatric drug information. Wolters Kluwer; 2025. Accessed 25/5/2025.

Biên tập: DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em
Thông tin hữu ích khác