Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Tự sát ở trẻ vị thành niên-vấn đề đáng báo động

Tự sát ở trẻ vị thành niên-vấn đề đáng báo động

Tự sát ở trẻ vị thành niên luôn là vấn đề đáng báo động. Hiện nay, trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản tỷ lệ tự sát và có ý định tự sát ở tuổi vị thành niên đang gia tăng. Ở Việt Nam chúng ta, đây cũng là vấn đề rất đáng lo ngại.Tháng 4/2018, trẻ nam học sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh tự tử bằng cách nhảy từ tầng cao do thất vọng về kết quả thi cử. Tháng 7/2018, ở Nghệ An có hai trẻ vị thành niên bị gia đình cấm kết hôn vì chưa đến tuổi đã vào rừng ăn lá ngón tự tử rồi đăng tin lên mạng vĩnh biệt người thân.

Các vấn đề cảnh báo và báo động

 

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Cũng theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

2. Các nguyên nhân dẫn đến tự sát ở trẻ em

Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm  là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử. Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%,  trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mẫu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

3.Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ tự tử?

Cần phải nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện sau:
– Trẻ luôn than thở buồn chán,nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng.

– Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây….

– Đột ngột có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh.

4.Chúng ta có thể làm gì?

Tự sát ở vị thành niên là vấn đề có thể ngăn ngừa được.Việc hiểu rõ các nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm cách giải quyết và ngăn ngừa tình trạng này.

– Không áp đặt thành tích học tập cho trẻ, không nên đặt kì vọng quá cao ở trẻ vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ.

–  Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội.

– Phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ 1 cách hợp lí. Nên tổ chức các buổi du lịch dã ngoại, hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho trẻ.

– Dậy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, tự tử ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Nếu bạn lo lắng về con bạn hãy tìm sự hỗ trợ và tư vấn của các bác sĩ, các nhà tâm lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh

Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em