Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Viêm gan B

Viêm gan B

A. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B (VGB) là một bệnh nhiễm trùng gan do vi rút VGB gây ra. Đối với một số người, bệnh có thể trở thành mạn tính, có nghĩa là tồn tại kéo dài hơn sáu tháng. Khi bị VGB mạn tính, người bệnh sẽ tăng nguy cơ mắc các biến chứng như suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan – một tình trạng khiến gan bị sẹo hóa vĩnh viễn.

B. Các triệu chứng của bệnh là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh VGB có thể từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay từ 2 tuần sau khi nhiễm vi rút VGB, tuy nhiên chúng thường xuất hiện từ khoảng một đến bốn tháng sau khi nhiễm.

Hầu hết trẻ nhiễm vi rút mạn tính không có triệu chứng lâm sàng. Một số trẻ có thể có biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải, có thể thấy gan to nhẹ. Ở giai đoạn VGB mạn hoạt động trẻ thường có các biểu hiện: mệt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da và ngứa khi ứ mật nhiều, thậm chí có thể có cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa…

Nhiễm vi rút VGB mạn tính đôi khi có các biểu hiện ngoài gan như viêm nút quanh động mạch và bệnh lý viêm tiểu cầu thận. Bệnh lý viêm tiểu cầu thận thường được quan sát thấy ở trẻ nhỏ. Nhiễm HBV có thể gây ra cả bệnh cầu thận màng và ít gặp hơn là viêm cầu thận màng tăng sinh.

C. Bệnh lây truyền như thế nào?

Vi rút VGB được truyền từ người này sang người khác qua đường máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Nó không lây lan khi hắt hơi hoặc ho.

Những cách phổ biến mà HBV có thể lây lan là:

  • Mẹ truyền sang con: Phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV có thể truyền vi rút sang con trong khi sinh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có thể được tiêm phòng để tránh bị nhiễm bệnh.
  • Quan hệ tình dục: Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm VGB nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh. Vi rút có thể truyền sang nếu máu, nước bọt, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo của người mắc bệnh xâm nhập vào cơ thể người không mang bệnh.
  • Dùng chung kim tiêm: Vi rút VGB dễ dàng lây lan qua bơm kim tiêm có dính máu bị nhiễm bệnh nếu được dùng chung.
  • Kim đâm vô tình: VGB là một mối lo ngại đối với nhân viên y tế và bất kỳ ai khác tiếp xúc với máu người do vô tình bị kim tiêm đâm phải.

D. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu biết mình đã phơi nhiễm với bệnh VGB, hãy liên hệ với các bác sĩ ngay lập tức. Điều trị dự phòng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm nếu được tiến hành trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với vi rút.

Nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh VGB, hãy liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Phụ nữ nhiễm vi rút VGB muốn mang thai hoặc sinh con cũng cần được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn.

E. Các phương pháp chẩn đoán?

Bác sĩ sẽ khám và tìm các dấu hiệu tổn thương gan, chẳng hạn như da vàng hoặc đau bụng. Các xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán VGB hoặc các biến chứng của nó bao gồm: các xét nghiệm về chức năng gan, các dấu ấn vi rút trong máu, định lượng vi rút trong máu, xác định tuýp vi rút, đột biến kháng thuốc, siêu âm thậm chí sinh thiết gan.

VGB có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính).

  • VGB cấp tính kéo dài dưới sáu tháng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể loại bỏ bệnh VGB cấp tính và cơ thể sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tháng.
  • VGB mạn tính kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Nó kéo dài vì hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm vi rút VGB mạn tính có thể kéo dài suốt đời, có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan. Thời điểm nhiễm vi rút là yếu tố chủ yếu quyết định sự tiến triển mạn tính của bệnh, vì khoảng 90% trẻ sơ sinh có vi rút sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính. Ngược lại, chỉ có 20-60% trẻ em nhiễm siêu vi trong 6 năm đầu đời và 5% người lớn sẽ tiến triển thành nhiễm mạn tính. Nhiễm trùng mạn tính có thể không bị phát hiện trong nhiều thập kỷ cho đến khi có biểu hiện bệnh nặng do gan.

G. Điều trị bệnh như thế nào?

1. Mục đích điều trị

Việc điều trị nhằm ức chế lâu dài sự sao chép của vi rút trong cơ thể, cải thiện chất lượng sống, khả năng sống, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, ung thư gan, đồng thời nhằm dự phòng lây truyền vi rút cho cộng đồng, dự phòng bùng phát VGB.

2. Nguyên tắc điều trị

Việc điều trị thuốc kháng vi rút không áp dụng cho trẻ < 12 tháng tuổi. Cần loại trừ nguyên nhân khác gây tổn thương gan khác trước khi bắt đầu điều trị.

Cục quản lý thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ đã cấp phép 5 loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị VGB mạn cho trẻ em: IFN –α- 2b (cho trẻ ≥12 tháng), Lavumidine (≥ 2 tuổi), Entercavir (≥2 tuổi), Adefovir (≥12 tuổi), Tenofovir – TDF (≥12 tuổi).

3. Các trường hợp thất bại điều trị với thuốc kháng vi rút

Việc xác định không đáp ứng hoặc đáp ứng vi rút một phần hay kháng thuốc trong quá trình điều trị cần căn cứ vào nồng độ vi rút trong máu được theo dõi trong quá trình điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

4. Xác định thời điểm dừng thuốc kháng vi rút

  • Việc dùng thuốc kháng vi rút phải dựa vào HbeAg, mức xơ gan, tải lượng vi rút trong máu, men gan và phải do các bác sĩ chuyên khoa quyết định.
  • Nên làm xét nghiệm HBcrAg trước khi dừng điều trị nhằm giúp dự đoán tái nhiễm và nguy cơ ung thư gan.
  • Bệnh nhân xơ gan không hồi phục, hoặc đồng nhiễm HIV, bệnh nhân ung thư gan không nên dừng thuốc.

H. Phòng bệnh như thế nào?

1. Phòng chủ động

  • Tiêm vắc xin VGB cho tất cả trẻ em trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi kế tiếp theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
  • Tiêm vắc xin VGB cho các đối tượng chưa bị bệnh, đặc biệt ở các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HBV cao (tiền sử truyền máu, gia đình có người nhiễm HBV…).
  • Phụ nữ mang thai chưa bị nhiễm HBV và chưa có kháng thể bảo vệ nên được tư vấn và tiêm phòng nhất là ở các thai phụ có nguy cơ lây nhiễm HBV cao.

2. Phòng lây truyền từ mẹ sang con

  • Trẻ sinh ra từ mẹ bị VGB: tiêm kháng huyết thanh và vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin VGB theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
  • Trường hợp thai phụ có tải lượng vi rút > 106copies/mL hoặc HBsAg > 104 IU/mL, phải tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HBV sang con: Dùng TDF từ tuần 24 – 28 của thai kỳ, muộn nhất là từ 4 tuần trước sinh và liên tục đến 4 – 12 tuần sau sinh.
  • Không chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ ở những người mẹ VGB và mẹ đang sử dụng TDF để điều trị bệnh hoặc điều trị dự phòng.

3. Phòng không đặc hiệu

  • Sàng lọc máu và chế phẩm máu.
  • Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da.
  • Thực hiện an toàn tình dục.
  • Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV.
  • Thực hiện phòng ngừa chuẩn giống như các bệnh lây truyền qua đường máu.

Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi có đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực gan mật trẻ em, có thể cung cấp những phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện có tại Việt Nam về lĩnh vực gan trẻ em khi bạn cần. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi bao gồm các bác sĩ phẫu thuật gan mật, hồi sức ngoại khoa và các y bác sỹ chuyên ngành gan mật nhiều kinh nghiệm luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Nếu bạn nghi ngờ con mình có các triệu chứng bất thường về bệnh lý gan mật, hãy đưa các bé tới phòng khám chuyên khoa Gan mật C103 – C104 tại Khoa Khám bệnh Chuyên khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em