Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Dinh dưỡng cho trẻ tổn thương bỏng và vết thương mạn tính

Dinh dưỡng cho trẻ tổn thương bỏng và vết thương mạn tính

Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Khi bị bỏng, làn da non nớt của trẻ sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Một chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, có bổ sung vitamin và chất khoáng kết hợp với liều điều trị phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, giúp phục hồi và mau lành vết bỏng.

Bệnh nhân bỏng cần bổ sung nhiều protein

1. Khái niệm

Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 3-5 tuổi. Lứa tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò khám phá thế giới, nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm của các hành động của mình. Bỏng không chỉ gây đau đớn, để lại di chứng về chức năng và thẩm mỹ của cơ thể mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

2. Nguyên nhân

  • Bỏng do nước sôi từ thức ăn nóng, dầu sôi, nước trong bình thuỷ, canh sôi…
  • Bỏng do trẻ tiếp xúc với các đồ vật nóng hoặc vật có tính phát nhiệt cao như bếp than, lò sưởi, bản ủi…
  • Bỏng do tiếp xúc với nguồn điện hoặc đứng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
  • Trẻ cũng có thể bị bỏng do các loại hóa chất như chất tẩy rửa, pin đồng hồ, keo dán sắt…

Bệnh nhân bỏng cần một chế độ dinh dưỡng nhằm tái tạo mô, nâng cao thể trạng

3. Lợi ích của can thiệp dinh dưỡng sớm trong điều trị, chăm sóc trẻ tổn thương bỏng và trẻ có vết thương mạn tính

  • Nâng cao thể trạng
  • Ngăn ngừa suy dinh dưỡng
  • Giúp liền vết thương nhanh
  • Tăng sức đề kháng
  • Tăng hiệu quả điều trị
  • Hạn chế biến chứng
  • Rút ngắn thời gian điều trị.

4. Vai trò của các thành phần dinh dưỡng đối với tổn thương bỏng và vết thương mạn tính

Ở trẻ có tổn thương cơ thể xảy ra hiện tượng tăng chuyển hóa do thất thoát dịch và huyết tương, tăng nhu cầu dinh dưỡng để phục hồi vết thương. Do vậy, người bệnh cần nhu cầu cao về năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác như các loại vitamin và vi chất. Mức độ tăng chuyển hóa càng cao ở người tổn thương càng nặng, tỷ lệ chuyển hóa có thể tăng gấp đôi so với bình thường và có khi kéo dài cả năm.

Dinh dưỡng đúng và đủ giúp trẻ có đủ chất cần thiết để tái tạo mô, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể, bù đắp cho trạng thái dị hóa cao trong cơ chế bệnh sinh của bỏng. Vì vậy cần cung cấp đủ năng lượng, protein, lipid, glucid, vitamin, các chất khoáng và nước.

5. Lợi ích của thực hiện thời gian và khẩu phần ăn, dinh dưỡng hợp lý:

Số bữa của người bệnh cần phải ăn nhiều bữa trong ngày kể cả ban đêm, trung bình là từ 6 – 8 bữa / 24 giờ, tùy theo mức độ nặng của bệnh, càng nặng càng phải ăn nhiều bữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể . Có khi cứ 2 giờ phải cho ăn một lần.

Thời gian cho các bữa ăn tại bệnh viện:

* Bữa chính:

– Bữa sáng: 7-8h.

– Bữa trưa: 10-11h (tăng đạm).

– Bữa tối: 17h – 18h (tăng đạm).

* Bữa phụ:

– Phụ chiều: 14h – 15h.

– Phụ tối: 19h – 20h.

– Phụ tối: 22h – 23h.

Thời gian cho các bữa ăn tại nhà: Ba bữa chính, 1-3 bữa phụ: hoa quả, sữa, sinh tố.

6. Những thực phẩm nên bổ sung cho trẻ tổn thương bỏng và vết thương mạn tính

* Thực phẩm giàu năng lượng: Các loại cháo, bột, soup hậu phẫu hoặc sữa công thức đều là những thực phẩm ưu tiên và giàu năng lượng cho trẻ. Ngoài ra, ngũ cốc, bánh mỳ, các loại trái cây như bơ, chuối, xoài,…Bên cạnh đó, cần lưu ý cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và nguy cơ tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Ổn định đường huyết cũng là một yêu cầu quan trọng giúp vết thương lành tốt.

* Thực phẩm giàu acid béo omega 3: Những loại cá giàu acid béo (cá hồi, cá thu, cá trích…). Nguồn chất béo giàu omega-3 này sẽ giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết, cải thiện đáp ứng viêm và nâng cao sức đề kháng.

Protid có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa… và trong các loại thực vật như đậu đỗ, ngũ cốc, …

Lipit có nguồn gốc từ động vật như mỡ động vật, các chất béo sữa… và từ thực vật như các hạt có dầu như vừng, dầu mè, lạc, đỗ tương, dầu đậu nành, hướng dương, ôliu…

Lượng protein trong thực phẩm như thịt nạc thăn, bò, đùi gà…(100g/ lượng protein như  thịt nạc thăn có 19g , thịt bò 23g, đùi gà 20.3g, lòng đỏ trứng 14,8g, cá hồi 22g, sữa 3,9g).

Thực phẩm giàu vitamin A: các loại rau có lá màu xanh sẫm như cải xoong, rau chân vịt…hoặc các loại trái cây có màu đỏ, thuộc họ cam quýt, đu đủ… và các chế phẩm từ bơ, sữa.

Thực phẩm giàu vitamin C: các loại trái cây như ổi, cam, quýt, bưởi, quả có vị chua…

Thực phẩm giàu chất kẽm: Các loại thức ăn như thịt (bò, heo, cừu), hải sản (tôm, cua, ốc, hàu, ngao), sữa, trứng, đậu xanh, đậu lăng, hạt bí, hạt vừng, đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều,…

Các loại thức uống bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất, năng lượng: nước – bữa ăn chính. Chất khoáng từ rau quả tươi  rất cần cho người bệnh, vì vậy cần chú ý cho trẻ ăn bổ sung nhiều hoa quả.

Khi trẻ bị bệnh thường gây ra tình trạng mất dịch qua vết thương. Vết thương càng lớn thì lượng nước mất càng nhiều. Vì vậy uống nhiều nước chính là cách đơn giản để bảo vệ cơ thể trẻ và giúp vết thương chóng hồi phục.

Bổ sung vitamin D: Việc tổng hợp vitamin D được thực hiện ở da. Khi bị bệnh, ngoài việc mất một phần da, người bệnh sẽ thường tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời sẽ làm ngăn cản quá trình tổng hợp vitamin D, nồng độ vitamin D trong máu sẽ giảm dần lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu lên xương mặc dù đã vết thương đã lành. Vì vậy khuyến cáo cho phép bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày để ở người bệnh đặc biệt người bệnh bỏng.

Ngoài các chất dinh dưỡng trên, cơ thể còn cần chất xơ. Chất xơ tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng rất cần vì nó kích thích tăng nhu động ruột, giúp đưa chất thải ra khỏi ống tiêu hoá dễ dàng, đề phòng táo bón. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng điều hoà hệ vi khuẩn có ích ở ruột, góp phần đào thải các độc tố và cholesterol thừa ra khỏi cơ thể.

* Lưu ý: Đối với từng lứa tuổi và nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho bệnh lý đó. Với trẻ còn bú, dùng sữa mẹ là chính, cho bú càng nhiều càng tốt; tùy theo tháng tuổi của trẻ để cho chế độ ăn bổ sung khác nhau.

7. Những thức ăn trẻ tổn thương bỏng và vết thương mạn tính nên hạn chế

  • Hạn chế sử dụng các loại bánh kẹo, thịt xông khói vì gây hao hụt vitamin và chất khoáng mà cơ thể đang tích lũy quá trình liền vết thương, tái tạo mô mềm.
  • Hạn chế thực phẩm gây giãn mạch đồ ăn cay, nóng, tỏi…

8. Một số câu hỏi

Bị bỏng có ăn rau muống, thịt bò có bị sẹo LỒI không??

Thực tế:   

  • Chưa có nghiên cứu nào chứng minh rau muống và thịt bò gây nên sẹo lồi
  • Thịt bò là thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu, cung cấp nguyên liệu cho quá trình tái tạo mô bị tổn thương.

Bị bỏng ăn trứng có bị sẹo xấu không ???

Thực tế:

  • Trứng không gây biến đổi màu sắc của da sau bỏng .
  • Màu sắc da sau bỏng do độ sâu của bỏng quyết định.
  • Trứng là thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao và dễ hấp thu.

BS.Phùng Công Sáng – ĐD.Nguyễn Thị Thanh Khương
Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình
Vy hiếu – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Phạm Thao

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em