Trang chủ » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Hướng dẫn bệnh nhân hội chứng thận hư (HCTH) theo dõi protein niệu bằng que thử nước tiểu tại nhà

Hướng dẫn bệnh nhân hội chứng thận hư (HCTH) theo dõi protein niệu bằng que thử nước tiểu tại nhà

Hội chứng thận hư là bệnh mạn tính cần theo dõi lâu dài vì vậy việc sử dụng que thử nước tiểu đúng cách là một trong những biện pháp rất hữu ích trong việc điều trị, theo dõi bệnh.

Các loại que thử nước tiểu hiện nay

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại que thử nước tiểu: que thử nước tiểu 11 thông số, que thử nước tiểu 10 thông số và que thử nước tiểu 3 thông số tuy nhiên đối với bệnh HCTH các bố mẹ có thể sử dụng que thử nước tiểu 3 thông số: PH (Xanh), Glucose(trắng), Protein (vàng). Mỗi hộp gồm 50 que và đóng 10 que trong 1 túi bóng kín.

Khi nào phải thử que thử nước tiểu

  • Khi trẻ bắt đầu đáp ứng với prednisolon, giảm phù và tiểu nhiều (thường sau 10-14 ngày điều trị prednisolon). Để chắc chắn trẻ thuyên giảm thì dùng que thử nước tiểu 3 ngày liên tiếp,
  • Thử nước tiểu nếu trẻ phù lại, nước tiểu nhiều bọt;
  • Khi trẻ có biểu hiện ho, cảm lạnh, nhiễm trùng bởi vì bệnh HCTH thường tái phát sau đó. Bố mẹ nên dùng que thử nước tiểu hàng ngày mỗi buổi sáng;
  • Trong giai đoạn hồi phục và giảm thuốc có thể sử dụng que thử nước tiểu cách nhật;
  • Trong giai đoạn ngừng thuốc nếu có thể cũng nên thử que thử nước tiểu 1-2 lần/tuần.

Thời điểm lấy mẫu nước tiểu

Tốt nhất lấy mẫu nước tiểu buổi sáng, ngay khi trẻ vừa thức dậy.

Cách sử dụng que thử nước tiểu

Bước 1 Lấy que thử nước tiểu ra khỏi lọ và sử dụng càng nhanh càng tốt. Đóng chặt nắp lọ. Nhúng hoàn toàn vùng phản ứng của que thử vào mẫu nước tiểu sạch và ngay lập tức lấy que thử ra để tránh thuốc thử bị hòa tan.
Bước 2 Khi lấy que ra khỏi nước tiểu, trượt cạnh của que thử nước tiểu lên miệng của dụng cụ đựng của nước tiểu để loại bỏ.

 

Bước 3 So sánh vùng thử với ô màu tương ứng trên nhãn lọ đựng que thử tại thời gian đọc của từng loại thuốc thử. Giữ que thử gần ô màu và so sánh màu cẩn thận

*** Lưu ý: Kết quả có thể đọc trong vòng 2 phút sau thời gian đọc tương ứng của từng loại thuốc thử.

  • Âm tính: không có protein hiện diện trong mẫu thử nước tiểu
  • Nếu que xanh từ 1+ trở lên, Bố Mẹ cần thử que nước tiểu mỗi ngày.
  • Nếu trẻ có biểu hiện bệnh hoặc que xanh 3 ngày liên tiếp thì bố mẹ cho bé tái khám ngay.

Cách bảo quản hộp que thử nước tiểu

  • Đậy nắp thật chặt sau khi lấy que thử ra.
  • Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, không cất trong tủ lạnh.
  • Không lấy chất hút ẩm ra khỏi lọ
  • Không sờ tay hay làm bẩn vùng băng thử đã tẩm nước tiểu
  • Không sử dụng que thử nước tiểu quá hạn sử dụng.

Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa Thận (kể cả sáng thứ 7 và chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám bệnh thận tại các đơn vị sau:

  • Phòng khám chuyên khoa Thận tại khoa Khám bệnh Chuyên khoa và khoa Khám bệnh Đa khoa
  • Trung tâm Quốc tế.

Nguyễn Thị Xuân
Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em