Thạc sĩ Quách Thúy Minh, Nguyễn Thị Hồng Thúy và CS
Khoa Tâm bệnh – BV Nhi TƯ
Tóm tắt :
Mục tiêu : Đánh giá kết quả trị liệu tâm lý nhóm cho trẻ tăng động và phụ huynh. Đối tượng : 42 trẻ tăng động giảm chú ý lứa tuổi tiểu học và 42 phụ huynh của trẻ. Phương pháp : nghiên cứu can thiệp và mô tả tiến cứu, khám sức khỏe toàn diện cho trẻ và làm test tâm lý, bảng phỏng vấn gia đình, trị liệu tâm lý nhóm cho trẻ và phụ huynh. Đánh giá kết quả sau 3 tháng điều trị.
Kết quả : sau đợt điều trị tâm lý đã có một số kết quả như sau:
– Giảm số trẻ tăng động nặng với những biểu hiện: ngồi học không yên từ 100% giảm xuống còn 47, 6%, ngồi học không lâu dưới 30 phút từ 85,5% giảm xuống còn 52,4%, hay sốt ruột khó chờ đợi từ 80,9% giảm còn 59,5% . Điểm tăng động có giảm đi 6 điểm theo Thang đo Vandebilt.
– Một số dấu hiệu giảm tập trung chú ý có cải thiện như: giảm số trẻ không giữ gìn sách vở cẩn thận từ 76,3 % xuống còn 28,6%, không thực hiện thời gian biểu từ 90,5% xuống còn 42,1%. Bên cạnh đó các dấu hiệu không chú ý lắng nghe, khoảng thời gian duy trì chú ý lắng nghe còn ngắn, làm bài không cẩn thận giảm đi chưa nhiều. Mức độ giảm chú ý có giảm đi 3 điểm theo Thang đo Vandebilt nhưng sự cải thiện này ít hơn so với mức điểm tăng động.
– Phụ huynh ( chủ yếu là các bà mẹ ) đã có kiến thức về vấn đề của trẻ, giảm lo buồn và tiến bộ trong thực hành dạy trẻ: chưa hiểu biết đầy đủ từ 85,5% giảm xuống còn 14,3%, lo buồn nhiều từ 100% giảm còn 42,9%, giành trên 2 giờ dạy trẻ mỗi ngày từ 38,1% tăng lên đến 100%, hay đánh mắng trẻ từ 76,2% giảm đi còn 11,9%, biết cách quản lý hành vi của trẻ từ 16,7% tăng lên 80,9%.
Kết luận : trị liệu tâm lý nhóm cho trẻ tăng động giảm chú ý cùng với phụ huynh của trẻ đã thu được một số kết quả tốt và cần được duy trì để đạt hiệu quả cao hơn và lâu dài.