Dexmedetomidine là một thuốc kháng thụ thể alpha-2 có tác dụng an thần, giảm lo âu và giảm đau. Việc sử dụng dexmetomedine ở các khoa hồi sức sơ sinh đang gia tăng những năm gần đây. Nghiên cứu này nhằm đánh giá độ an toàn của dexmetomedine và xác định xu hướng sử dụng thuốc trong thời gian tới.
1. Phương pháp nghiên cứu
1.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu quan sát hồi cứu theo dữ liệu từ bệnh án trong gian đoạn năm 2018 đến 2023.
Các đặc điểm nhân khẩu học được so sánh giữa trẻ sinh non và trẻ đủ tháng bằng cách sử dụng thử nghiệm Mann-Whitney U. Sự khác biệt về tác dụng phụ giữa trẻ đủ tháng và trẻ sinh non, cũng như giữa liều thấp hơn và liều cao hơn, được phân tích bằng cách sử dụng thử nghiệm χ2. Phân tích hồi quy được tiến hành để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng phụ.
Địa điểm: Nghiên cứu được tiến hành tại khoa hồi sức tích cực sơ sinh tại một bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.
1.2. Đối tượng
Bệnh nhi nhập khoa hồi sức sơ sinh có sử dụng dexmetomedine đườngtruyền tĩnh mạch liên tục trong thời gian tối thiểu1 giờ.
Để nghiên cứu mối quan hệ giữa liều dùng và các tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh nhân được chia làm 2 nhóm dựa trên liều dùng tối đa (liều dùng lớn hơn hoặc nhỏ hơn 0.5 μg/kg/giờ).
2. Kết quả
Có 383 trẻ sơ sinh, trong đó có 140 trẻ sinh non (chiếm 36,5%) thỏa mãn tiêu chuẩn và được đưa vào nghiên cứu. Tuổi thai trung vị là 37 tuần với trung vị cân nặng lúc sinh vị là 2700g và tuổi trung vị tại thời điểm khởi đầu dùng dexmetomedine là 38 (36-40) tuần. Có 81,5% bệnh nhân được sử dụng dexmetomedine để kiểm soát đau sau phẫu thuật hoặc can thiệp thủ thuật.
Một số kết quả về tính an toàn của phác đồ gồm có: Phản ứng có hại của thuốc không mong muốn (ADRs) xảy ra ở 20 bệnh nhân (5%), chủ yếu là nhịp tim chậm (50%) và hạ huyết áp (40%). Không ghi nhận mối liên quan giữa ADRs với liều lượng (p=0,80), thời gian điều trị (p=0,96) hoặc tuổi thai (p=0,93). Có 10/20 trường hợp có ADRs cần giảm liều hoặc ngừng thuốc. Không ghi nhận triệu chứng cai thuốc. Việc sử dụng đồng thời các thuốc giảm đau khác ví dụ như fentanyl làm tăng nguy cơ xuất hiện ADRs (p=0,049).
Liều khởi đầu và thời gian điều trị dexmetomedine tăng đáng kể qua các năm (p<0,001 và p=0,009). Kết quả sự thay đổi về thời gian điều trị và liều khởi đầu qua các năm được thể hiện trong Hình 1 và Hình 2.
Hình 1. Xu hướng về thời gian dùng (số ngày) dexmetomedine qua các năm
Hình 2. Xu hướng liều dùng khởi đầu và tối đa của dexmetomedine qua các năm
Kết quả cho thấy số ngày sử dụng dexmetomedine có xu hướng tăng dần qua các năm. Trong khi đó, liều dùng dao động từ 0,2 đến 1,5 µg/kg/giờ, với liều tối đa trung bình 0,45 µg/kg/giờ. Có thể nhận thấy liều dùng khởi đầu và tối đa của dexmetomedine tăng dần qua các năm.
3. Kết luận
Nghiên cứu cho thấy dexmedetomidine là một lựa chọn an toàn và ngày càng phổ biến trong các khoa hồi sức tích cực sơ sinh. Xu hướng sử dụng thuốc là tăng liều dùng và thời gian sử dụng mà không làm gia tăng tác dụng không mong muốn. Gần đây, dexmetomedine được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cho thấy hiệu quả cũng như tính an toàn của thuốc. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu nhằm xác định liều lượng tối ưu cũng như đánh giá hiệu quả lâu dài của thuốc trên trẻ sơ sinh.
Biên tập: ThS.DS Nguyễn Nguyệt Minh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Nguồn: BMJ Paediatrics Open 2025 DOI: 10.1136/bmjpo-2024-003004