Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » [QUÝ IV-2023] DỰ PHÒNG PHẢN ỨNG TIÊM TRUYỀN DO L-ASPARAGINASE

[QUÝ IV-2023] DỰ PHÒNG PHẢN ỨNG TIÊM TRUYỀN DO L-ASPARAGINASE

Asparaginase thường được dùng trong liệu pháp phối hợp điều trị bệnh bạch cầu cấp lympho cấp tính. Tuy nhiên, như các protein miễn dịch, phản ứng dị ứng xảy ra khi dùng asparaginase khá thường xuyên, liên quan đến việc sinh các kháng thể kháng asparaginase.

I. Các loại L-asparaginase

Hiện nay có các dạng thuốc L-asparaginase được phân loại theo nguồn gốc và phương pháp sản xuất như sau:

  • Asparaginase nguồn gốc từ coli, ví dụ: Leunase, L-Aspase,…;
  • Asparaginase nguồn gốc từ Erwinia chrysanthemi, ví dụ : Erwinase;
  • Asparaginase tái tổ hợp nguồn gốc từ Erwinia chrysanthemi, ví dụ: Rylaze ;
  • Asparaginase pegyl hóa (peg-asp) nguồn gốc từ coli, ví dụ: Oncaspar, Hamsyl.

II. Phản ứng tiêm truyền khi điều trị L-asparaginase

Phản ứng tiêm truyền có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Phần lớn phản ứng ở mức độ nhẹ, tuy nhiên có một số trường hợp nặng, thậm chí gây tử vong. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau, nhạy cảm, sưng tấy và ban đỏ tại chỗ tiêm khi tiêm bắp (IM), sốt, khó thở, nôn, tiêu chảy, co thắt phế quản, ngứa, nổi mẩn da và nổi mề đay khi tiêm tĩnh mạch (IV); các triệu chứng không phổ biến bao gồm phù mạch, co thắt thanh quản và hạ huyết áp.

Phản ứng tiêm truyền có cơ chế không rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế có liên quan đến việc giải phóng cytokine, histamin hoặc kích hoạt trực tiếp hệ thống bổ thể. Phản ứng dị ứng với Asparaginase có thể làm tăng mạnh nồng độ amoniac huyết thanh do quá trình thủy phân asparaginase. Triệu chứng tăng nồng độ amoniac huyết thanh có thể gây ra nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, nổi ban, thường mức độ nhẹ và ngắn.

Hầu hết các phản ứng, thường xảy ra sau lần truyền thứ hai đến thứ tư, xảy ra trong vòng vài phút, nhưng chúng có thể xảy ra từ một đến vài giờ sau khi truyền hoặc thậm chí muộn hơn. Phản ứng quá mẫn muộn thường gặp hơn với pegaspargase do kháng nguyên chính giải phóng chậm.

III. Cách dự phòng phản ứng tiêm truyền do L-asparaginase

1. Truyền tốc độ chậm

Thông thường truyền thuốc trong khoảng 1 đến 2 giờ. Kéo dài thời gian truyền thuốc để giảm tốc độ truyền có thể làm giảm các phản ứng tiêm truyền xảy ra.

2. Pha loãng

Thông thường, pha loãng asparaginase vào 100 ml dung dịch NaCl 0,9% để truyền tĩnh mạch. Với bệnh nhân gặp phản ứng tiêm truyền với asparagianse, xem xét tăng thể tích dung dịch pha loãng asparaginase.

3. Dùng các thuốc dự phòng (premedication)

Dự phòng trước với các thuốc paracetamol, kháng histamine H1 (ví dụ diphenhydramine), kháng H2 (ví dụ famotidine), dùng kèm/không dùng kèm corticosteroids trong vòng 30-60 phút trước khi dùng asparaginase.

Thuốc kháng histamine được sử dụng để chủ động làm giảm tác dụng của histamine, một trong nhiều chất trung gian được tế bào mast giải phóng. Glucocorticoids ngăn chặn sự kích hoạt và chức năng tiền viêm của nhiều loại tế bào miễn dịch.

4. Chuyển sang L-asparaginase loại khác

Với những bệnh nhân xuất hiện phản ứng quá mẫn với một trong các  asparaginase có nguồn gốc từ E. coli, có thể tiếp tục điều trị bằng cách chuyển sang  asparaginase nguồn gốc từ Erwinia chrysanthemi. Khả năng phản ứng chéo khó xảy ra với các dẫn xuất E. coli và Erwinia chrysanthemi của asparaginase vì cả hai khác biệt về mặt kháng nguyên.

Phản ứng tiêm truyền do L-asparaginase xảy ra khá thường xuyên trong thục hành lâm sàng nên cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân. Một số biện pháp có thể dùng để dự phòng các phản ứng tiêm truyền do thuốc như truyền chậm, pha loãng, dùng các thuốc dự phòng trước hoặc chuyển sang L-asparaginase loại khác.

IV. Tài liệu tham khảo

1. Dược thư quốc gia Việt Nam 2022.
2. Hypersensitivity reactions to asparaginase therapy in acute lymphoblastic leukemia: immunology and clinical consequences.
3. https://www.uptodate.com/contents/infusion-reactions-to-systemic-chemotherapy?search=l%20asparaginase&source=search_result&selectedTitle=2~72&usage_type=default&display_rank=1#H3
4. Pediatric and neonatal dosage handbook 23rd edition

Biên tập: ThS.DS. Nguyễn Nguyệt Minh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em