Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » [QUÝ I-2024] DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN TEO MẬT BẨM SINH

[QUÝ I-2024] DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN TEO MẬT BẨM SINH

Suy dinh dưỡng là một biến chứng phổ biến ở bệnh nhân tắc mật (đặc biệt là hấp thu lipid kém do không có acid mật trong ruột non), góp phần làm tăng nặng tình trạng bệnh và tăng tỷ lệ tử vong1. Trên trẻ teo mật, cần xác định sớm tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và bắt đầu có các can thiệp nhằm tối ưu hóa sự phát triển đầy đủ của trẻ, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể xuất hiện về sau. Can thiệp dinh dưỡng cần được tiếp cận từ nhiều mặt, bao gồm đánh giá trạng thái dinh dưỡng, cá thể hoá bổ sung dinh dưỡng trên từng bệnh nhân, và tiếp tục theo dõi để có định hướng cho các can thiệp tiếp theo.

Bài viết dưới đây tổng hợp các khuyến cáo về dinh dưỡng dành cho bệnh nhân nhi mắc teo mật đến từ các chuyên gia Nhật Bản và từ các Hiệp hội Tiêu hóa – Gan mật – Dinh dưỡng của Bắc Mỹ, Châu Âu1-3.

I. Đánh giá trạng thái dinh dưỡng của bệnh nhân

Đánh giá dinh dưỡng chi tiết nên được bắt đầu từ tiền sử bệnh gan mật hiện mắc và các tình trạng liên quan, cùng với đó là tác dụng phụ của các thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng tới khả năng ăn uống của bệnh nhân1. Ngoài ra, nhiều phép đo thể trạng (như chiều dài cơ thể/chiều cao, chu vi vòng cánh tay (MUAC), độ dày nếp gấp da cơ tam đầu (TSF)…) cũng được khuyến nghị nhằm đánh giá tác động của các can thiệp dinh dưỡng lên người bệnh.

Bệnh nhân teo mật thường thiếu hụt protein, acid béo thiết yếu và các vitamin tan trong dầu. Các chất dinh dưỡng khác (như vitamin B và C, carnitin, selen) ít bị ảnh hưởng trừ khi bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng do nuôi dưỡng không đủ hoặc do tình trạng bệnh nhất định (ví dụ: thiếu hụt kẽm do tiêu chảy hoặc thiếu hụt vitamin B do lọc máu). Sau phẫu thuật Kasai để điều trị teo mật bẩm sinh, bệnh nhân vẫn có thể gặp biến chứng viêm đường mật phải điều trị bằng kháng sinh nên không tránh khỏi tình trạng rối loạn hệ khuẩn ruột và ảnh hưởng tới chuyển hóa acid mật. Do đó, mặc dù bài tiết mật được cải thiện sau phẫu thuật nhưng bệnh nhân vẫn có thể chịu tác động xấu trong việc hấp thu chất béo. Bảng 1 tổng hợp các tiếp cận trong thực hành nhằm theo dõi tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng1.

Bảng 1: Tiếp cận xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở bệnh nhân teo mật

II. Các can thiệp bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân teo mật

Các can thiệp dinh dưỡng cho trẻ mắc teo mật có nhiều mục tiêu, và các khuyến cáo trên thực hành được mô tả trong Bảng 2 dưới đây1,2.

Bảng 2: Khuyến cáo hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ mắc teo mật

Bảng 3: Khuyến cáo từ Nhật Bản về nhu cầu năng lượng và protein hàng ngày của trẻ em khỏe mạnh

Bảng 4: Khuyến cáo từ Nhật Bản về nhu cầu sắt và calci hàng ngày của trẻ em khỏe mạnh

Các dữ liệu cho thấy sự phát triển của trẻ teo mật có cải thiện khi được bổ sung MCT/LCT theo tỷ lệ 30%/70%. Cần lưu ý rằng MCT là nguồn cung cấp năng lượng ít hiệu quả do chứa lượng kcal trong mỗi gam ít hơn so với LCT (8,3 kcal/g MCT so với 9 kcal/g LCT), làm tăng phần năng lượng dư thừa và không phải nguồn cung cấp các acid béo thiết yếu. Do vậy, chế độ ăn chỉ chứa MCT (> 80%) làm tăng nguy cơ thiếu hụt acid béo thiết yếu và có thể khiến cho bệnh nhân không đạt được cân nặng tối ưu. Lượng LCT cần thiết để phòng tránh thiếu hụt acid béo thiết yếu là 3% tổng lượng calo từ chất béo ở người khoẻ mạnh, tuy nhiên ở bệnh nhân teo mật, nhu cầu LCT có thể cao hơn nhiều và phụ thuộc vào mức độ tiêu hoá/hấp thu kém chất béo.

Các chế phẩm chứa vitamin cũng cần thiết để đạt nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân teo mật. Ví dụ: α-tocopheryl polyethylene glycol 1000 succinate là một đồng phân của vitamin E hấp thu toàn thân tốt nhờ cấu trúc phân tử lưỡng tính, tạo thành các hạt micell mà không cần tới muối mật, từ đó tăng vận chuyển qua lớp biểu mô ruột non và đi vào tuần hoàn cửa. Bên cạnh đó, chất dinh dưỡng này còn giúp hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu khác (như vitamin D).

Việc bổ sung vitamin A cần được theo dõi chặt chẽ do tình trạng ngộ độc vitamin A có thể dẫn tới xơ gan và làm cho bệnh gan trầm trọng thêm. Vitamin D nên được bổ sung dưới dạng cholecalciferol (D3) do sinh khả dụng tốt hơn và ái lực lớn hơn với protein liên kết vitamin D so với ergocalciferol (D2).

III. Kết luận

Đánh giá trạng thái dinh dưỡng của trẻ teo mật nên bao gồm các phép đo MUAC, TSF, chiều cao và cân nặng. Dinh dưỡng kém do thiếu năng lượng là tình trạng phổ biến ở trẻ mắc bệnh gan và cần phối hợp với bác sĩ dinh dưỡng để theo dõi. Lượng MCT bổ sung nên được giới hạn < 80% tổng năng lượng từ chất béo để ngăn ngừa thiếu hụt acid béo thiết yếu và tăng khả năng đạt được cân nặng mục tiêu.

IV. Tài liệu tham khảo

1. Mouzaki M, Bronsky J, Gupte G, et al. Nutrition Support of Children With Chronic Liver Diseases: A Joint Position Paper of the North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition and the European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition. J Pediatr Gastroenterol Nutr. Oct 2019;69(4):498-511. doi:10.1097/MPG.0000000000002443
2. Nio M. Introduction to Biliary Atresia. Springer Singapore, Imprint: Springer; 2021.
3. Health Service Bureau, Ministry of Health, Labour and Welfare, Japan. Dietary Reference Intakes for Japanese. Dec 2020.

Biên tập: DS. Nguyễn Việt Anh

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em