Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » [QUÝ I-2024] SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI HOẠI TỬ DO TỤ CẦU VÀNG Ở TRẺ EM

[QUÝ I-2024] SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI HOẠI TỬ DO TỤ CẦU VÀNG Ở TRẺ EM

I. Đại cương về viêm phổi hoại tử do tụ cầu vàng ở trẻ em

1. Khái niệm về viêm phổi hoại tử

Viêm phổi hoại tử là biến chứng nghiêm trọng và hiếm gặp của viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (Community-acquired pneumonia – CAP). Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi đông đặc, hoại tử vùng ngoại biên và xuất hiện nhiều khoang nhỏ khu trú trên hình ảnh phổi.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi hoại tử, trong đó các căn nguyên phổ biến có nguồn gốc vi sinh vật bao gồm các vi khuẩn gram dương như Streptococcus pneumoniae, Staphyloccocus aureus (bao gồm S. aureus kháng methicillin – MRSA) và Streptococcus nhóm A 4. Ngoài ra, một số vi khuẩn gram âm khác cũng gây viêm phổi hoại tử như Pseudomonas spp., Klebsiella pneumoniae, Enterobacter aerogenes. Các loại virus như Adenovirus, RSV, virus nhóm Herpes hay các vi nấm như Aspergillus spp., Candida spp., Coccidioides spp. cũng có thể là căn nguyên gây bệnh 2. Dữ liệu của phần lớn các nghiên cứu đã cho thấy, mặc dù tỷ lệ gây viêm phổi hoại tử do S. aureus không cao, nhưng đây lại là căn nguyên gây ra biến chứng nghiêm trọng nhất.

2. Đặc điểm viêm phổi hoại tử do tụ cầu vàng

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em có chẩn đoán CAP do S. aureus gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là CAP do S. aureus kháng methicillin (CA-MRSA). Bệnh nhân CA-MRSA có nguy cơ cao mắc S. aureus sinh Panton-Valentine Leucocidin (PVL), chiếm tỷ lệ 74 – 100% tùy thuộc vào đặc điểm dịch tễ của từng khu vực 2. PVL là ngoại độc tố do S. aureus sản xuất, có khả năng phân giải dòng bạch cầu, tăng hoạt hóa các yếu tố gây viêm, dẫn đễn giãn mạch cục bộ và tổn thương các mô. Nghiên cứu đã cho thấy, nồng độ PVL sinh ra bởi các chủng S. aureus nhạy methicillin (MSSA) và kháng methicillin (MRSA) không có sự khác biệt. Những chủng S. aureus sinh PVL thường có xu hướng gây viêm phổi hoại tử nặng, diễn tiến nhanh chóng thành xuất huyết phổi.

Trên thực tế, viêm phổi hoại tử diễn biến nặng có thể là hậu quả chung của nhiều yếu tố độc lực kết hợp. Bên cạnh PVL, alpha-hemolysin (alpha-toxin) cũng là một loại độc tố làm gia tăng nguy cơ viêm phổi hoại tử ở trẻ em. Hội chứng sốc do độc tố (Toxic Shock Syndrome – TSS) gây bởi enterotoxins, TSST-1 thường gặp với tỷ lệ khoảng 1% ở các chủng S. aureus, và có xu hướng dẫn đến sốc và suy đa tạng 5.

II. Sử dụng thuốc trong điều trị viêm phổi hoại tử do tụ cầu vàng ở trẻ em

Phác đồ kinh nghiệm sử dụng để điều trị viêm phổi hoại tử cần bao phủ được S. pneumoniae S. aureus bao gồm cả MRSA. Thông thường, thời gian điều trị viêm phổi hoại tử ở trẻ em thường kéo dài từ 2 – 4 tuần.

1. Lựa chọn thuốc

Bảng 1. Lựa chọn thuốc trong điều trị viêm phổi hoại tử do tụ cầu vàng ở trẻ em

Trên những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc S. aureus sinh PVL hoặc có hội chứng sốc do độc tố (TSST-1), clindamycin được khuyến cáo phối hợp vào phác đồ điều trị do có khả năng ức chế quá trình sản sinh độc tố của vi khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng clindamycin trong những trường hợp này nếu vi khuẩn được xác định là còn nhạy cảm với clindamycin. Linezolid được khuyến cáo là lựa chọn thay thế phù hợp có thể sử dụng đơn độc nhưng đồng thời cần lưu ý về các tác dụng không mong muốn trên tủy xương khi dùng thuốc kéo dài trên 2 tuần.

2. Liều dùng

Bảng 2. Liều dùng một số kháng sinh sử dụng trong điều trị viêm phổi hoại tử do tụ cầu vàng ở trẻ em

P: Cân nặng; GA (Gestational age): Tuổi thai; PNA (Postnatal age): Tuổi sau sinh; PMA (Postmentrual age): Tuổi sau kỳ kinh cuối = Tuổi thai + Tuổi sau sinh.

III. Kết luận

Viêm phổi hoại tử ở trẻ em là biến chứng hiếm gặp của viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, có xu hướng diễn biến nặng nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời. Việc lựa chọn phác đồ kháng sinh điều trị phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh, giảm nguy cơ đề kháng của vi khuẩn đối với thuốc và tránh được các phản ứng bất lợi của thuốc khi sử dụng để điều trị kéo dài.

IV. Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Nhi Trung ương (2022), Quy trình kỹ thuật theo dõi nồng độ vancomycin trong máu (QTKT.D.1.2)
2. Chen Y. et al. (2023), Necrotizing pneumonia in Children: Early Recognition and Management, Journal of Clinical Medicine.
3. Lina G. et al. (2008), Effect of antibiotics, alone and in combination, on Panton–Valentine leukocidin production by a Staphylococcus aureus reference strain, Clinical Microbiology and Infection.
4. Nahata M.C. et al. (2013), Pediatric Pharmacotherapy, American College of Clinical Pharmacy.
5. Johns Hopkins ABX Guide onlince accessed via: https://www.hopkinsguides.com/hopkins/index/Johns_Hopkins_ABX_Guide/All_Topics
6. UptoDate onlince accessed via: https://www.uptodate.com/contents/search

Biên tập: DS. Đỗ Thùy Anh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em