Bối cảnh và Mục tiêu nghiên cứu
Tăng áp phổi là biến chứng thứ phát, thường gặp với tỷ lệ 25% ở trẻ có chẩn đoán loạn sản phế quản phổi từ trung bình đến nặng. Các liệu pháp điều trị bao gồm sử dụng oxid nitric dạng hít (iNO), các dẫn xuất của prostacyclin, chất đối vận thụ thể endothelin, chất ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5). Ở trẻ em, lựa chọn đầu tay trong điều trị tăng áp phổi thứ phát sau loạn sản phế quản phổi là sildenafil, một hoạt chất thuộc nhóm ức chế PDE-5, với chế độ liều dùng nhiều lần trong ngày. Tadalafil là một thuốc cùng nhóm dùng liều một lần duy nhất trong ngày có thể là lựa chọn thay thế. Tuy nhiên dữ liệu về hiệu quả điều trị trên lâm sàng của thuốc còn hạn chế.
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu chế độ liều của tadalafil được sử dụng trên trẻ sơ sinh và nhũ nhi trong điều trị tăng áp phổi thứ phát sau loạn sản phế quản phổi. Bên cạnh đó khả năng dung nạp, tính an toàn và hiệu quả của phác đồ cũng được đánh giá.
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu
– Nghiên cứu hồi cứu trên trẻ dưới 1 tuổi khi bắt đầu dùng tadalafil và được sử dụng nhiều hơn 1 liều tadalafil để điều trị tăng áp phổi thứ phát sau loạn sản phế quản phổi. Trong đó:
- Tiêu chuẩn chẩn đoán loạn sản phế quản phổi bao gồm trẻ sinh non cần hỗ trợ thở oxy tại thời điểm PMA (Postmenstrual age: Tuổi sau kỳ kinh cuối) trên 36 tuần
- Tình trạng tăng áp phổi được xác định dựa vào kết quả siêu âm tim cho thấy sự tăng vận tốc trào ngược qua van ba lá và/hoặc hình ảnh vách liên thất dẹt thì tâm thu.
Dữ liệu được thu thập dựa trên bệnh án điện tử tại Bệnh viện Nhi John Hopkins trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 11 năm 2021.
Kết quả
Bảng 1. Đặc điểm bệnh nhân được lựa chọn vào nghiên cứu (N = 42)
– Tadalafil được dùng với các mức liều từ 0,25 – 2 mg/kg/ngày trong đó mức liều 1 mg/kg/ngày là phổ biến nhất. Trong quá trình điều trị, có 17/42 bệnh nhân (40%) cần tăng liều tadalafil, 23/42 bệnh nhân (55%) giữ nguyên chế độ liều tadalafil và 2/42 bệnh nhân (5%) cần giảm liều tadalafil.
– Dựa trên hình ảnh siêu âm tim: vào thời điểm bắt đầu điều trị bằng tadalafil, đa số bệnh nhân (n = 27) có tình trạng áp lực thất phải vượt quá áp lực hệ thống. Tuy nhiên, khi kết thúc đợt điều trị, đa số bệnh nhân (n = 30) có tình trạng áp lực thất phải thấp hơn áp lực hệ thống.
– Thống kê từ nghiên cứu cho thấy, 26/27 bệnh nhân có áp lực thất phải vượt quá áp lực hệ thống tại thời điểm bắt đầu điều trị bằng tadalafil có áp lực thất phải thấp hơn áp lực hệ thống tại thời điểm kết thúc điều trị. Tuy nhiên, chỉ có 24/42 bệnh nhân (57,1%) được ghi nhận cải thiện tình trạng tăng áp phổi và có chỉ định ngừng điều trị bằng tadalafil.
– Không có phản ứng bất lợi nào được ghi nhận trong quá trình sử dụng tadalafil.
Kết luận
Chế độ liều tadalafil 1 mg/kg/ngày được chỉ định nhiều nhất trên trẻ sơ sinh và nhũ nhi trong điều trị tăng áp phổi thứ phát sau loạn sản phế quản phổi, cho thấy hiệu quả dung nạp tốt, cải thiện áp lực động mạch phổi.
Biên tập: DS. Đỗ Thuỳ Anh, DS. Nguyễn Việt Anh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: The Journal of Pediatric Pharmacology and Therapeutics (2024)
DOI: 10.5863/1551-6776-29.2.140