Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » Thuốc gây tăng kali máu ở trẻ em

Thuốc gây tăng kali máu ở trẻ em

Tăng kali máu được định nghĩa là nồng độ kali máu cao hơn mức bình thường (thường là 5,5 mmol/l). Mặc dù trẻ em ít gặp tăng kali máu hơn người lớn nhưng không phải là hiếm gặp. Khi nồng độ kali máu cao hơn 7 mmol/l là tình trạng nghiêm trọng và cần can thiệp y tế ngay lập tức3. Có nhiều nguyên nhân gây tăng kali máu như mắc các bệnh về thận, chấn thương tiêu cơ vân, tan máu, bỏng, hội chứng ly giải khối u… Trong thực hành lâm sàng, dùng thuốc gây tăng kali máu là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nồng độ kali trên bệnh nhân. Nhiều thuốc có thể gây tăng kali máu với các cơ chế khác nhau.

1. Biểu hiện lâm sàng

1.1. Bệnh nhân không có triệu chứng

Hầu hết trẻ em không có triệu chứng lâm sàng khi tăng kali máu mức độ nhẹ (< 6 mmol/L) hoặc trung bình (từ 6 đến 7 mmol/L). Các trường hợp này thường được phát hiện khi xét nghiệm điện giải do có nghi ngờ bất thường liên quan tình trạng bệnh lý về thận (ví dụ: tăng huyết áp, tiểu máu và protein niệu, phù, thiểu niệu/vô niệu), lưu lượng máu động mạch giảm nhiều (ví dụ: sốc, viêm dạ dày ruột nặng hoặc suy tim) và tổn thương tế bào đáng kể (ví dụ chấn thương hoặc hội chứng ly giải khối u). Trẻ em bị tăng kali máu nhẹ đến trung bình cũng có thể có những thay đổi trên điện tâm đồ do rối loạn dẫn truyền tim liên quan đến tăng kali máu2.

1.2. Bệnh nhân có triệu chứng

Trẻ em tăng kali máu nặng (nồng độ kali máu > 7 mmol/L) có thể có các biểu hiện lâm sàng tương tự như người lớn:

  • Yếu cơ hoặc tê liệt: Yếu cơ thường tăng dần, bắt đầu ở chân và lan dần đến thân và cánh tay, có thể tiến triển thành liệt. Những triệu chứng này có thể giống với những bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barré.
  • Dấu hiệu bất thường dẫn truyền tim: Bệnh nhân tăng kali máu có thể biểu hiện đánh trống ngực, ngất hoặc ngừng tim tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn dẫn truyền tim.

Bất thường dẫn truyền tim: Tăng kali máu liên quan đến những rối loạn trong dẫn truyền tim và đe dọa tính mạng. Những thay đổi trên điện tâm đồ phản ánh tình trạng tăng nồng độ kali huyết thanh lên hoạt động điện tim, bao gồm bất thường khử cực tâm nhĩ (sóng P), bất thường tâm thất (phức hợp QRS) và bất thường tái cực (sóng T). Những bất thường này không chỉ phụ thuộc nồng độ kali ngoại bào mà còn phụ thuộc tốc độ thay đổi nồng độ kali. Cần lưu ý ở trẻ sơ sinh, ngưỡng nồng độ kali liên quan đến thay bất thường trên điện tâm đồ thường cao hơn do mức kali máu bình thường ở trẻ sơ sinh cao hơn (6,5 mmol/L) so với người lớn và trẻ nhỏ2.

2. Các thuốc gây tăng kali máu

Một số nhóm thuốc gây tăng kali máu và cơ chế tương ứng được trình bày trong bảng dưới đây1.

Bảng 1. Các nhóm thuốc gây tăng kali máu

3. Biện pháp dự phòng và điều trị

3.1. Dự phòng

Phòng ngừa nên được ưu tiên hơn so với điều trị tăng kali máu do thuốc. Cần lưu ý và theo dõi chặt chẽ nồng độ kali máu với các đối tượng có nguy cơ cao như bệnh nhân suy tim, suy thận, chấn thương tiêu cơ vân…Để phòng ngừa tăng kali máu, cần nhận thức đầy đủ về các thuốc có thể gây tăng kali máu và giám sát chặt chẽ bệnh nhân. Cần hạn chế sử dụng chất đối kháng aldosterone ở bệnh nhân có mức độ kháng corticoid cao. Bên cạnh đó, xem xét chế độ ăn và các thuốc dùng kèm là giải pháp cần thiết để giảm nguy cơ tăng kali máu. Nên đo nồng độ kali trước khi dùng thuốc và đo lại sau mỗi 5 đến 10 ngày3.

3.2. Xử trí, điều trị

a/ Xác định bệnh nhân bị tăng kali máu bằng cách lấy máu tĩnh mạch hoặc động mạch để xét nghiệm nhanh.

b/ Đo điện tâm đồ, theo dõi nhịp tim bệnh nhân.

c/ Lựa chọn các biện pháp can thiệp dựa trên mức độ thay đổi điện tâm đồ và mức độ yếu cơ của bệnh nhân:

Truyền calci đường tĩnh mạch:

        – Chỉ dùng cho tăng kali máu khi điện tâm đồ thay đổi đáng kể hoặc rối loạn nhịp tim nặng hoặc bệnh nhân có kali máu ≥ 7 mmol/L.
        – Truyền tĩnh mạch calci gluconat 10% với liều 0,5 mL/kg (liều tối đa 20 mL) trong năm phút.
        – Trong trường hợp ngừng tim hoặc sắp ngừng tim, calci clorua thường được sử dụng thay vì calci gluconat vì làm tăng nhanh hơn calci ion hóa trong huyết thanh. Liều calci clorua truyền tĩnh mạch là 20 mg/kg (liều tối đa 1000 mg) trong vòng 5 đến 10 phút.
        – Mặc dù tác dụng bảo vệ của calci khởi phát nhanh, nhưng thời gian tác dụng ngắn và có thể cần dùng liều lặp lại đối với những thay đổi điện tâm đồ dai dẳng hoặc loạn nhịp tim. Các liệu pháp khác nên được phối hợp càng sớm càng tốt để chuyển kali vào nội bào và loại bỏ kali.
        – Calci trực tiếp đối kháng với sự khử cực do tăng kali máu gây ra ở màng tim đang nghỉ ngơi. Liệu pháp calci dẫn đến giảm khả năng kích thích màng và giảm nguy cơ phát triển các bất thường về dẫn truyền tim và loạn nhịp tim

Chuyển kali vào tế bào:

        – Phối hợp insulin và glucose đường tĩnh mạch:

Insulin giúp vận chuyển kali ngoại bào vào tế bào bằng cách tăng cường hoạt động của bơm Na-K-ATPase trong cơ xương. Dùng glucose đồng thời để ngăn ngừa hạ đường huyết. Tác dụng của insulin bắt đầu sau 10 đến 20 phút và đạt đỉnh sau 30 đến 60 phút. Nên giám sát nồng độ glucose huyết thanh một giờ sau khi dùng insulin.

        – Dùng chủ vận beta-adrenergic khí dung:

Chất chủ vận beta-adrenergic khí dung là lựa chọn thay thế cho truyền insulin và glucose qua đường tĩnh mạch ở những trẻ không thiết lập được đường truyền tĩnh mạch an toàn. Một số báo cáo cho thấy kali huyết thanh có thể giảm 1 đến 1,5 mmol/L trong vòng một giờ sau khi dùng thuốc. Can thiệp này cũng được chứng minh là có hiệu quả và an toàn ở trẻ sinh non thở máy.

Nên tránh sử dụng chất chủ vận beta-adrenergic ở trẻ em có biểu hiện rối loạn nhịp tim từ trước và trẻ phải được theo dõi chức năng tim trong quá trình dùng thuốc. Những tác dụng phụ thường gặp là nhịp tim nhanh và run nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

        – Dùng natri bicarbonate:

Natri bicarbonate làm tăng độ pH ngoại bào dẫn đến sự di chuyển ion H+ từ tế bào ra ngoại bào. Kết quả là kali ngoại bào di chuyển vào nội bào để duy trì trạng thái trung hòa điện tích. Tuy nhiên, lợi ích của liệu pháp bicarbonate vẫn còn chưa rõ ràng và không nên sử dụng như là liệu pháp duy nhất để kiểm soát tình trạng tăng kali máu.

Loại bỏ kali

Có 3 phương pháp để loại bỏ kali ở trẻ em là dùng thuốc lợi tiểu, nhựa trao đổi ion và lọc máu3

        – Lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu quai và thiazide có thể cải thiện bài xuất kali qua nước tiểu ở trẻ em còn đảm bảo thể tích tuần hoàn và chức năng thận. Can thiệp này có thể hữu ích ở trẻ em bị tăng kali máu kéo dài nhưng không quá nghiêm trọng (nồng độ kali trong khoảng 5,5 đến 7 mmol/L) và chỉ là liệu pháp bổ trợ trong trường hợp tăng kali máu nặng.

        – Nhựa trao đổi ion

Polystyrene sulfonate là nhựa trao đổi cation, trao đổi natri thành kali qua ruột già. Ở trẻ em, natri polystyrene sulfonate là chất trao đổi cation được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc tan trong nước và được dùng qua uống hoặc qua ống thông dạ dày. Mỗi gram nhựa có thể liên kết với 1 mEq kali và giải phóng một lượng natri tương đương. Thời gian bắt đầu trao đổi ion là khoảng một đến hai giờ. Sau đó, phức hợp kali polystyrene sulfonate sẽ được bài tiết qua phân ra khỏi cơ thể.

Liệu pháp trao đổi cation không hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên nên bắt đầu điều trị bằng nhựa trao đổi cation càng sớm càng tốt, đặc biệt trong những trường hợp tăng kali máu dai dẳng vì ngoài lọc máu thì đây là liệu pháp duy nhất có thể loại bỏ kali ra khỏi cơ thể ở hầu hết trẻ em. Liệu pháp trao đổi cation phù hợp với khi nồng độ kali tăng vừa phải từ 5,5 đến 6,5 mmol/L và được dùng như liệu pháp bổ sung trong trường hợp tăng kali máu nặng hơn.

        – Lọc máu

Ở trẻ em không đáp ứng với liệu pháp lợi tiểu hoặc nhựa trao đổi cation, hoặc bị rối loạn chức năng thận nặng, có thể phải lọc máu để loại bỏ lượng kali dư ​​thừa ra khỏi cơ thể ở trẻ có nồng độ kali > 6,5 mmol/L.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chaker Ben Salem, Atef Badreddine, Neila Fathallah, Raoudha Slim, Houssem Hmouda. Drug-Induced Hyperkalemia. Drug Saf. 2014 Sep;37(9):677-92. doi: 10.1007/s40264-014-0196-1.
2. Uptodate. Causes, clinical manifestations, diagnosis, and evaluation of hyperkalemia in children. Accessed 11/06/2024. https://www.uptodate.com/contents/search.
3. Uptodate. Management of hyperkalemia in children. Accessed 11/06/2024. https://www.uptodate.com/contents/search.

Biên tập: ThS. DS. Nguyễn Nguyệt Minh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em