Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu
Giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh chảy máu gây ra bởi sự giảm số lượng tiểu cầu (<100×109/L) và suy giảm chức năng đông máu của tiểu cầu. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây giảm tiểu cầu ở trẻ em, ước tính tỉ lệ mắc là 1.9 – 6.4 trên 100,000 trẻ mỗi năm. Liệu pháp điều trị đầu tay cho trẻ mới được chẩn đoán bệnh bao gồm glucocorticoid, immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) hoặc phối hợp cả hai thuốc trên. Giá của các chế phẩm IVIG thường rất cao gây ra áp lực tài chính lớn cho gia đình người bệnh. Để giảm gánh nặng tài chính, đảm bảo hiệu quả điều trị và độ an toàn, việc giảm liều IVIG là một vấn đề được quan tâm trên lâm sàng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ở Trung Quốc IVIG được dùng với tổng liều 2 g/kg chia thành 2 đến 5 ngày. Mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy liều thấp IVIG vẫn có hiệu quả và có thể được cân nhắc trên các bệnh nhân mới được chẩn đoán giảm tiểu cầu miễn dịch, thực hành này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Phân tích gộp này nhằm đánh giá hiệu quả dài hạn và ngắn hạn của IVIG liều thấp và so sánh hiệu quả của chế độ điều trị liều thấp kết hợp với glucocorticoid. Từ đó cung cấp đủ thông tin cho các nhân viên y tế lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp nhất cho trẻ em mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu cầu giảm miễn dịch.
Phương pháp nghiên cứu
Các nghiên cứu công bố trên cơ sở dữ liệu Pubmed, Embase, Web of Science, Cochrane Central Register of Controlled Trials, Cumulative Index of Nursing and Allied Health Literature, và ba cơ sở dữ liệu của Trung Quốc bao gồm CNKI, Wan Fang và VIP từ ngày 1 tháng 05 năm 2023 được tìm kiếm và sàng lọc.
Tiêu chuẩn lựa chọn là: (1) Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) hoặc nghiên cứu quan sát tương đương; (2) Các nghiên cứu so sánh IVIG liều thấp (<1 g/kg) và liều cao IVIG (˃ 1 g/kg); (3) Nghiên cứu tuyển chọn bệnh nhân ở độ tuổi <18 và (4) Các nghiên cứu thu nhận bệnh nhân được chẩn đoán mắc giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát và thời gian kéo dài dưới 3 tháng.
Các nghiên cứu loại khỏi phân tích gộp: (1) Các nghiên cứu trùng lặp. Nếu có nhiều công bố từ cùng một nghiên cứu, lựa chọn công bố có cỡ mẫu lớn nhất hoặc công bố đầy đủ nhất;(2) Các nghiên cứu bệnh nhân mắc giảm tiểu cầu miễn dịch thứ cấp hoặc bệnh nhân đã được điều trị trước đó; (3) Các nghiên cứu không công bố đầy đủ; và (4) Các nghiên cứu được công bố bằng các ngôn ngữ khác ngoài Tiếng Trung và tiếng Anh.
Hai nghiên cứu viên trích xuất dữ liệu một cách độc lập từ mỗi nghiên cứu đủ điều kiện và sau đó kiểm tra chéo các kết quả. Các thông tin sau được trích xuất: tên của tác giả đầu tiên, năm xuất bản, loại nghiên cứu, cỡ mẫu, đặc điểm cơ bản (giới tính, tuổi tác, số lượng tiểu cầu trong 1 đơn vị máu trước điều trị), chi tiết các biện pháp can thiệp (liều lượng và liệu trình IVIG, loại, liều lượng và liệu trình dùng glucocorticoid nếu kết hợp với glucocorticoid), thời gian theo dõi. Kết quả xử lý bằng phần mềm thống kê R (phiên bản 4.2.2) và Rstudio,
Kết quả
- Có 25 nghiên cứu (22 RCT và 3 nghiên cứu thuần tập) đáp ứng các tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ được đưa vào phân tích gộp. Các nghiên cứu đều báo cáo tỉ lệ hiệu quả ER. ER được định nghĩa là tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng một phần (số lượng tiểu cầu PC ≥ 50×10^9/L) hoặc đáp ứng toàn bộ (Số lượng tiểu cầu PC ≥ 100×10^9/L).
- Tỉ lệ đáp ứng một phần (RR: 1.03; 95% CI: 0.91–1.18, I2=0 ) và toàn bộ (RR: 0.97; 95%CI: 0.90–1.04, I2=0) không khác biệt khi dùng liều cao và liều thấp Tương tự, kết quả gộp tỉ số nguy cơ về ER giữa hai nhóm dùng IVIG liều cao và liều thấp cũng không cho thấy sự khác biệt RR = 0,99 (95% CI: 0,95-1,02).
- Có 12 nghiên cứu báo cáo tỉ lệ phục hồi và 12 nghiên cứu báo cáo về thời gian chảy máu. Kết quả phân tích gộp cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ hồi phục và thời gian chảy máu giữa hai nhóm dùng IVIG liều thấp và liều cao.
- Có 13 nghiên cứu báo cáo tác dụng không mong muốn. Kết quả phân tích gộp cho thấy tỉ lệ gặp tác dụng không mong muốn ở nhóm dùng IVIG liều thấp thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm dùng liều cao (RR: 0.61; 95%CI: 0.38–0.98).
Kết luận
Hiệu quả của việc dùng IVIG 1 g/kg tương đương với 2g/kg. Thậm chí liều 0.6g/kg hoặc 0.8g/kg cũng có hiệu quả. Phối hợp với glucocorticoid có thể cải thiện hiệu quả điều trị nên cân nhắc bổ sung glucocorticoid khi dùng IVIG liều thấp. Cần thêm nghiên cứu chất lượng cao để đánh giá hiệu quả của việc dùng IVIG liều nhỏ hơn 1g/kg.
Biên tập: ThS. DS. Nguyễn Nguyệt Minh, DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: BMC Pediatrics
DOI: 10.1186/s12887-024-04677-3