1. Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu
Bệnh bạch cầu dòng B cấp tính (B-cell ALL) là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Dù tỷ lệ chữa khỏi chung cao, tái phát bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở trẻ em. Mục tiêu chính của nghiên cứu này xác định việc bổ sung blinatumomab (một kháng thể kép nhắm vào CD19 và CD3) vào phác đồ hóa trị tiêu chuẩn có cải thiện kết quả điều trị cho trẻ em mới được chẩn đoán mắc bạch cầu lympho cấp dòng B nguy cơ chuẩn và có nguy cơ tái phát trung bình hoặc cao không.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế: Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, ngẫu nhiên, có đối chứng, đa trung tâm tại Úc, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ.
Đối tượng nghiên cứu: Trẻ em từ 1 đến dưới 10 tuổi mới được chẩn đoán mắc bạch cầu lympho cấp dòng B nguy cơ chuẩn, có số lượng bạch cầu dưới 50.000/microlit, không có thâm nhiễm tinh hoàn hoặc thần kinh trung ương (CNS).
Phân tầng nguy cơ: Bệnh nhân nhi sau khi hoàn thành giai đoạn điều trị tấn công sẽ được phân tầng thành ba nhóm nguy cơ tái phát: thấp, trung bình và cao.
Phân nhóm can thiệp: 1.440 bệnh nhân nhi được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm:
- Nhóm nhận phác đồ hóa trị tiêu chuẩn
- Nhóm nhận phác đồ hóa trị kết hợp với 2 chu kỳ blinatumomab (mỗi chu kỳ kéo dài 28 ngày) truyền tĩnh mạch liên tục với liều 15 μg/m2 diện tích bề mặt cơ thể mỗi ngày (tối đa 28 μg/ngày).
3. Tiêu chí đánh giá
Tiêu chí chính: Thời gian sống không bệnh (disease-free survival – DFS), được định nghĩa là thời gian từ lúc phân nhóm ngẫu nhiên đến biến cố đầu tiên (tái phát, ung thư thứ hai hoặc tử vong).
Các tiêu chí phụ: Thời gian sống toàn bộ (overall survival – OS), tỷ lệ tái phát chung và vị trí tái phát.
4. Kết quả
Kết quả ghi nhận thời gian theo dõi trung vị 2,5 năm (tính đến thời điểm tạm ngừng phân nhóm ngẫu nhiên do kết quả vượt trội ở nhóm blinatumomab).
– Thời gian sống không bệnh (DFS):
- Tỷ lệ DFS ước tính sau 3 năm ở nhóm kết hợp blinatumomab và hóa trị liệu là 96,0 ± 1,2%, so với 87,9 ± 2,1% ở nhóm chỉ hóa trị liệu (sự khác biệt về thời gian sống trung bình bị giới hạn là 72 ngày; CI 95%: 36-102 ngày; P < 0,001).
- Ở nhóm nguy cơ tái phát trung bình: tỷ lệ DFS 3 năm là 97,5 ± 1,3% (blinatumomab + hóa trị) so với 90,2 ± 2,3% (chỉ hóa trị).
- Ở nhóm nguy cơ tái phát cao: tỷ lệ DFS 3 năm là 94,1 ± 2,5% (blinatumomab + hóa trị) so với 84,8 ± 3,8% (chỉ hóa trị).
– Thời gian sống toàn bộ (OS):
Tỷ lệ OS ước tính sau 3 năm ở nhóm blinatumomab và hóa trị liệu là 98,4 ± 0,9%, so với 97,1 ± 1,1% ở nhóm chỉ hóa trị liệu.
– Tỷ lệ tái phát: Tỷ lệ tái phát tích lũy ước tính sau 3 năm ở nhóm blinatumomab và hóa trị liệu là 3,3 ± 0,8%, so với 11,8 ± 1,6% ở nhóm chỉ hóa trị liệu. Việc bổ sung blinatumomab chủ yếu làm giảm tái phát ở tủy xương.
Hình 1. Kết quả nghiên cứu đến thời điểm tạm dừng phân nhóm ngẫu nhiên
5. Kết luận
Việc bổ sung blinatumomab vào phác đồ điều trị chuẩn giúp cải thiện đáng kể thời gian sống không bệnh ở trẻ em mắc bạch cầu cấp dòng B nguy cơ chuẩn có nguy cơ tái phát trung bình hoặc cao. Kết quả này nhất quán trên các phân nhóm bệnh nhân và chủ yếu là do giảm tỷ lệ tái phát ở tủy xương
Biên tập: ThS.DS Nguyễn Văn Dũng, DS. Nguyễn Việt Anh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: Sumit Gupta, Ph.D, et al. The New England Journal of Medicine 27-02-2025