Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của erythromycin trong điều trị liệt dạ dày ở trẻ em

Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của erythromycin trong điều trị liệt dạ dày ở trẻ em

1. Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu

Liệt dạ dày (gastroparesis) là một tình trạng hiếm gặp ở trẻ em nhưng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, làm chậm quá trình tháo rỗng dạ dày, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng và suy dinh dưỡng. Erythromycin, ngoài vai trò là một kháng sinh nhóm macrolid, còn được biết đến với tác dụng kích thích thụ thể motilin, từ đó tăng cường nhu động dạ dày. Do đó, erythromycin được dùng điều trị liệt dạ dày và rối loạn tiêu hóa ở người lớn và trẻ sơ sinh nhưng dữ liệu nghiên cứu ở trẻ em vẫn còn hạn chế. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tỷ lệ cải thiện triệu chứng liệt dạ dày trên bệnh nhân nhi khi điều trị bằng erythromycin. Các mục tiêu phụ bao gồm so sánh đặc điểm lâm sàng giữa nhóm có cải thiện và không cải thiện, xác định số trường hợp kéo dài khoảng QT (QTc). Từ đó cung cấp thêm bằng chứng khoa học cho việc sử dụng thuốc này trong thực hành lâm sàng nhi khoa.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu thuần tập, hồi cứu trên bệnh án của bệnh nhân nhi từ 01/8/2019 đến 31/8/2022 tại một bệnh viện Nhi khoa.

2.2. Đối tượng nghiên cứu

– Tiêu chuẩn lựa chọn:

  • Trẻ em > 28 ngày tuổi đến < 18 tuổi;
  • Điều trị với erythromycin (đường uống hoặc qua ống nuôi ăn) trong tối thiểu 48 giờ liên tiếp.

– Tiêu chuẩn loại trừ:

  • Đã điều trị ngoại trú kéo dài với erythromycin.
  • Đã dùng các thuốc kích thích nhu động khác trước đó.
  • Điều trị với erythromycin dưới 48 giờ.

Các bệnh nhân được chẩn đoán triệu chứng liệt dạ dày và sử dụng thuốc erythromycin. Nhóm này sau đó được chia thành 2 phân nhóm nhỏ: “nhóm cải thiện” và “nhóm không cải thiện”.

3. Tiêu chí đánh giá

3.1. Các dữ liệu thu thập bao gồm

– Thông tin nhân khẩu (tuổi, giới tính, cân nặng), tiền sử bệnh tim bẩm sinh và bệnh tiêu hóa bẩm sinh, tình trạng nuôi ăn qua ống thông: ống thông dạ dày (Gastrostomy tube- GT) hay ống thông dạ dày- hỗng tràng (Gastrostomy Jejunostomy – GJ tube).

– Thông tin điều trị ghi nhận liều khởi đầu, tần suất và thời gian điều trị erythromycin.

– Các thuốc kích thích nhu động khác bắt đầu sau erythromycin (như metoclopramid, bethanechol).

– Các thuốc gây kéo dài QT sử dụng đồng thời.

3.2. Tiêu chí để đánh giá hiệu quả

Đáp ứng điều trị “cải thiện” triệu chứng liệt dạ dày được định nghĩa bao gồm:

  • Không cần dùng thêm thuốc kích thích nhu động khác.
  • Không tăng liều erythromycin.
  • Không cần can thiệp dinh dưỡng bổ sung (như đặt ống xuyên môn vị hoặc ống dạ dày-tá tràng).

3.3. Tiêu chí để đánh giá độ an toàn

Điện tâm đồ (ECG) được thu thập ở 3 thời điểm (trước khi điều trị 30 ngày, trong khi điều trị, và sau điều trị 30 ngày) để đo khoảng QTc. Kéo dài QTc được định nghĩa là QTc > 450ms hoặc tăng ≥ 25% so với trước điều trị.

4. Kết quả

4.1. Hiệu quả

Trong 67 bệnh nhi được phân tích, có 40 bệnh nhi (59,7%) đáp ứng điều trị (“cải thiện”) với erythromycin.

Đặc điểm giữa hai nhóm:

 Nhóm “cải thiện” có độ tuổi trung vị cao hơn so với nhóm “không cải thiện” (3,5 so với 2 tuổi, p = 0,038).

Tỷ lệ trẻ em có tiền sử bệnh tiêu hóa bẩm sinh (gồm hẹp môn vị, tắc nghẽn đường tiêu hóa, gastroschisis, nôn mạn tính) trong nhóm “cải thiện” cũng cao hơn nhóm “không cải thiện” (55,0% so với 25,9%, p = 0,019).

Ngược lại, không có sự khác biệt đáng kể về giới tính, cân nặng hay tiền sử bệnh tim bẩm sinh giữa hai nhóm.

Đặc điểm về liều lượng và thời gian điều trị:

Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa liều erythromycin khởi đầu ở hai nhóm.

Thời gian điều trị ở nhóm “không cải thiện” dài hơn nhóm “cải thiện” (trung vị 9 ngày so với 4 ngày, p = 0,002).

4.2. An toàn

Trong 37 bệnh nhi có theo dõi ECG trong thời gian điều trị, có 4 bệnh nhân (10,8%) xuất hiện kéo dài khoảng QTc, nhưng không có bệnh nhân nào tiến triển thành loạn nhịp thất hay nhịp nhanh kịch phát gây ảnh hưởng lâm sàng nghiêm trọng.

Bảng 1: Bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy erythromycin có cải thiện triệu chứng liệt dạ dày trên trẻ em với tỷ lệ khoảng 60%, liều khuyến cáo trung bình là 11,5 mg/kg/ngày chia mỗi 8 giờ. Những bệnh nhi nhỏ tuổi hơn đáp ứng kém hơn và cần thời gian điều trị dài hơn. Mặc dù có 4 trường hợp kéo dài QTc (chiếm 10,8%) nhưng không ghi nhận trường hợp loạn nhịp tim nghiêm trọng nào. Nhìn chung, erythromycin được đánh giá là một biện pháp điều trị liệt dạ dày tương đối hiệu quả và an toàn ở trẻ em, tuy nhiên cần theo dõi điện tâm đồ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nghiên cứu này vẫn còn những hạn chế về cỡ mẫu (đơn trung tâm, 67 bệnh nhân) và dữ liệu điện tâm đồ của bệnh nhân, nhưng là tiền đề để tiếp tục mở rộng nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của các liệu pháp điều trị liệt dạ dày ở bệnh nhân nhi.

Biên tập: ThS.DS Nguyễn Văn Dũng, DS. Nguyễn Việt Anh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: Chang E, et al. J Pediatr Pharmacol Ther. 2-2025; 30(1):70-77

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em
Thông tin hữu ích khác