Trang chủ » Bản tin thông tin thuốc » Đánh giá việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật cắt bỏ túi mật ở trẻ em

Đánh giá việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật cắt bỏ túi mật ở trẻ em

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là biến chứng sau phẫu thuật phổ biến nhất, đặc biệt trên đối tượng trẻ em. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) là biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này, tuy nhiên rất dễ dẫn đến lạm dụng nếu sử dụng không hợp lý. Trong phẫu thuật cắt bỏ túi mật ở trẻ em, chưa có nhiều ý kiến đồng thuận về việc sử dụng KSDP. Hiện tại, các khuyến cáo đang được ngoại suy từ dữ liệu của người lớn, và chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng trẻ em.

1. Mục tiêu nghiên cứu

So sánh tỷ lệ NKVM giữa nhóm trẻ được sử dụng KSDP và không được sử dụng KSDP trong phẫu thuật cắt túi mật để điều trị sỏi mật không biến chứng.

2. Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thuần tập, hồi cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của 141 bệnh viện tham gia vào Chương trình Cải thiện Chất lượng Quốc gia dành cho Nhi khoa. Nghiên cứu được thực hiện trên trẻ em dưới 18 tuổi có chỉ định phẫu thuật cắt túi mật để điều trị sỏi mật không biến chứng. Nghiên cứu loại trừ các trường hợp trẻ được sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch để điều trị nhiễm khuẩn trước khi phẫu thuật cắt túi mật (viêm túi mật cấp, viêm đường mật); trẻ được kéo dài KSDP sau phẫu thuật; trẻ nhập viện trong tình trạng cấp cứu; và trẻ có các bệnh lý mắc kèm về huyết học hoặc ung thư.

Tiêu chí nghiên cứu:

  • Tỷ lệ NKVM trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật
  • Tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.

3. Kết quả

Kết quả chính của nghiên cứu được trình bày trong Hình 1. Kết quả cho thấy việc áp dụng kháng sinh dự phòng liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ từ 3,7% xuống còn 0,9% với OR điều chỉnh là 0,28 (khoảng tin cậy 95%: 0,11 -0,7). Tương tự, nguy cơ tái nhập viện giảm từ 4,4% xuống 1,5% với OR điều chỉnh là 0,33 (khoảng tin cậy 95%: 0,15-0,71). Ngoài ra, việc sử dụng phác đồ kháng sinh phổ rộng không có mối liên quan với nguy cơ nhiễm trùng phẫu thuật hoặc tái nhập viện. Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở nhóm bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phổ rộng và sử dụng đơn độc cefazolin để dự phòng lần lượt là 0,5% và 1,0% với OR điều chỉnh là 0,54 (khoảng tin cậy 95%: 0,15-1,95). Tương tự, tỷ lệ bệnh nhân tái nhập viện ở 2 nhóm tương ứng lần lượt là 1,4% và 1,6%, với OR điều chỉnh là 0,90 (khoảng tin cậy 95%: 0,40 – 2,03).

Bảng 1: Mối liên hệ giữa việc sử dụng KSDP và kết cục ở trẻ được phẫu thuật cắt túi mật không biến chứng

(A) So sánh giữa nhóm có sử dụng KSDP trước phẫu thuật và nhóm không dùng KSDP

(B) So sánh giữa nhóm sử dụng cefazolin và nhóm sử dụng các kháng sinh phổ rộng để dự phòng

4. Kết luận

Việc sử dụng kháng sinh dự phòng có thể giúp giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ và tái nhập viện sau phẫu thuật cắt túi mật ở trẻ em. Tuy nhiên, việc sử dụng các phác đồ kháng sinh phổ rộng không cho thấy sự vượt trội về hiệu quả so với phác đồ sử dụng đơn độc cefazolin trong phẫu thuật cắt túi mật ở trẻ em.

Biên tập: DS. Đỗ Thuỳ Anh, DS. Nguyễn Việt Anh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: Mckie K.A. et al. JAMA Pediatrics (2025); 179(4): 447-454.
Link: 10.1001/jamapediatrics.2024.6391

Chuyên mục: Bản tin thông tin thuốc

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em
Thông tin hữu ích khác