Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (URTI) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, với tần suất có thể lên tới 5-8 lần/năm. Sốt là triệu chứng phổ biến trên trẻ URTI, tuy nhiên điều trị bằng thuốc hạ sốt chỉ giảm nhiệt độ tạm thời và kháng sinh chỉ có hiệu quả trong một số ít trường hợp. Việc sử dụng men vi sinh, ngoài khả năng làm giảm các triệu chứng tiêu hóa, còn có thể có vai trò trong điều trị nhiễm khuẩn nhờ sự tương tác giữa hệ vi sinh vật đường ruột, quá trình viêm và phản ứng miễn dịch. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của hỗn hợp các vi sinh vật Bifidobacterium breve, Bifidobacterium lactis và Lactobacillus rhamnosus trong việc rút ngắn thời gian sốt ở trẻ mắc URTI.
1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
1.1. Thiết kế nghiên cứu
Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, mù ba.
1.2. Đối tượng nghiên cứu
Tiêu chuẩn lựa chọn: Trẻ từ 28 ngày đến 4 tuổi, sốt (nhiệt độ trực tràng ≥38,5°C) và được chẩn đoán URTI bởi bác sĩ nhi khoa tại khoa cấp cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ:
- Tiêu chảy
- Đã dùng men vi sinh trong vòng 2 tuần trước đó
- Mắc bệnh tự miễn mạn tính
- Đang điều trị ức chế miễn dịch
- Cần nhập viện
1.3. Tiêu chí đánh giá
- Tiêu chí chính: Thời gian sốt (số ngày từ ngày sốt đầu tiên đến ngày sốt cuối cùng; trẻ cắt sốt nếu nhiệt độ <38,5°C trong ≥24 giờ không dùng thuốc hạ sốt)
- Tiêu chí phụ: Tỷ lệ tiêu chảy ở trẻ dùng kháng sinh, số trẻ được kê kháng sinh sau khi xuất viện, và an toàn/tính dung nạp (tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, đau bụng).
2. Kết quả
Có 128 bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn được lựa chọn được tham gia nghiên cứu. Kết quả sàng lọc và phân nhóm được trình bày trong Hình 1.
Hình 1. Sơ đồ nghiên cứu
Bệnh nhân giữa 2 nhóm không có sự khác biệt đáng kể về độ tuổi, giới tính và chủng tộc. Tỷ lệ bệnh nhân dùng kháng sinh tại thời điểm lựa chọn là 25% ở nhóm giả dược và 27% ở nhóm men vi sinh. Kết quả phân tích theo dự định điều trị với tiêu chí chính là thời gian sốt được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện CAL, n (%)
Hình 1. Biểu đồ kết quả nghiên cứu
Kết quả cho thấy việc sử dụng men vi sinh làm giảm 2 ngày sốt so với nhóm giả dược (p < 0,001); Trong phân tích hồi quy Poison, tỉ số tỉ lệ phát sinh (rate ratio) RR hiệu chỉnh = 0,64; với khoảng tin cậy 0,51 – 0,80.
Trong nhóm bệnh nhân được sử dụng kháng sinh tại thời điểm lựa chọn, tiêu chảy xuất hiện ở 3 bệnh nhân nhóm giả dược, và không có bệnh nhân nào ở nhóm men vi sinh. Tỷ lệ được kê kháng sinh sau khi ra viện là 12% ở nhóm giả dược và 2% ở nhóm men vi sinh. Tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, táo bón, đau bụng không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm.
3. Kết luận
Thử nghiệm lâm sàng cho thấy tiềm năng trong việc sử dụng men vi sinh để làm giảm thời gian sốt trên trẻ em mắc URTI.
4. Lời bình của biên tập viên
Nghiên cứu được thực hiện chặt chẽ, thiết kế đơn giản. Tuy nhiên quy mô mẫu nghiên cứu còn hạn chế, không xác định được tác nhân cụ thể của tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (virus hay vi khuẩn), bệnh nhân tự đo nhiệt độ tại nhà. Bên cạnh đó, chế phẩm men vi sinh phối hợp được sử dụng trong nghiên cứu không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, cần cẩn trọng khi phiên giải và áp dụng kết quả nghiên cứu trong điều kiện thực tế. Có thể cần cân nhắc tiến hành các nghiên cứu sử dụng men vi sinh có sẵn trên thị trường.
Biên tập: DS. Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: JAMA Network Open 2025 DOI: 10.1001/jamanetworkopen.2025.0669