Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em liên quan tới SARS-CoV-2 (PIMS-TS) hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) được ghi nhận đầu tiên vào tháng 4/2020, với 40% bệnh nhân phải điều trị tích cực do sốc, suy tim và 12-15% sau đó phát hiện chứng phình động mạch vành. Liệu pháp điều hòa miễn dịch đã được sử dụng trên các bệnh nhân MIS-C do sự tương đồng giữa hội chứng này và các tình trạng như sốc nhiễm độc, bệnh Kawasaki. Tuy nhiên, hướng dẫn điều trị về việc sử dụng liệu pháp điều hòa miễn dịch trên trẻ MIS-C chủ yếu được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của các chuyên gia và chưa có bằng chứng ủng hộ. Trong bối cảnh đó, thử nghiệm lâm sàng được thực hiện dựa trên nền tảng thử nghiệm RECOVERY nhằm đánh giá hiệu quả của immunoglobulin tĩnh mạch (IVIg) hoặc corticosteroid so với điều trị thông thường trên trẻ MIS-C. Các bệnh nhân mắc hội chứng viêm kháng trị với thuốc đầu tay sau đó được phân nhóm ngẫu nhiên lượt hai để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tocilizumab và anakinra so với điều trị thông thường.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu lựa chọn các bệnh nhân < 18 tuổi, nhập viện, nghi ngờ MIS-C (theo tiêu chuẩn của Đại học Hoàng gia về Trẻ em và Sức khỏe trẻ em). Tiêu chuẩn loại trừ là các bệnh nhân có tiền sử dị ứng immunoglobulin người, thiếu hụt IgA chọn lọc hoặc tăng proline máu loại I hoặc II. Bênh cạnh đó, trẻ < 1 tuổi, trẻ < 10kg (với nhóm so sánh hiệu quả của anakinra) cũng được loại trừ.
Tiêu chí nghiên cứu chính là thời gian nằm viện được đánh giá sau 28 ngày kể từ khi phân nhóm ngẫu nhiên. Tiêu chí nghiên cứu phụ là thời gian sử dụng vận mạch và giá trị CRP hiệu chỉnh theo giá trị nền tại ngày 3.
Kết quả
Từ 18/5/2020 đến 20/1/2022, 244 bệnh nhân đã được đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu. Sau khi trải qua quá trình phân nhóm ngẫu nhiên 2 lượt, 237 bệnh nhân được đưa vào phân tích, đánh giá (Hình 1).
Sau khi phân nhóm ngẫu nhiên, đặc điểm của bệnh nhân tương đồng giữa các nhóm. Một số đặc điểm được tổng kết trong Bảng 1.
Sau phân nhóm ngẫu nhiên lần một, tỷ lệ tuân thủ quy trình nhìn chung tương đối cao ở nhóm dùng thuốc nghiên cứu, tuy nhiên một phần đáng kể bệnh nhân nhóm điều trị thông thường được dùng thuốc ngoài quy trình. 19 trong số 55 bệnh nhân (35%) điều trị thông thường ở nhóm IVIg so với điều trị thông thường được dùng IVIg và 33 trong số 66 bệnh nhân (50%) điều trị thông thường ở nhóm methylprednisolon so với điều trị thông thường được dùng methylprednisolon. Sau phân nhóm ngẫu nhiên lần hai, tỷ lệ tuân thủ quy trình cao hơn, và không có bệnh nhân điều trị thông thường nào được dùng tocilizumab trong khi có 3 (12%) bệnh nhân dùng anakinra (Bảng 2).
Thời gian nằm viện trung bình của nhóm sử dụng IVIg là 7,4 ngày so với 7,6 ngày ở nhóm điều trị thông thường (khác biệt -0,1 ngày; khoảng tin cậy 95%: -1,3 đến 1,0; xác suất hậu nghiệm – PPB 59%). Thời gian nằm viện trung bình của nhóm sử dụng methylprednisolon là 6,9 ngày (khác biệt -0,7 ngày, khoảng tin cậy 95%: –1,9 đến 0,6; PPB 87%).
Thời gian nằm viện trung bình của nhóm sử dụng tocilizumab là 6,6 ngày so với 9,9 ngày ở nhóm điều trị thông thường (khác biệt -3,3 ngày; khoảng tin cậy 95%: -5,6 đến -1,0; PPB > 99%). Thời gian nằm viện trung bình của nhóm sử dụng anakinra là 8,5 ngày (khác biệt -1,4 ngày; khoảng tin cậy 95%: -4,3 đến 1,8; PPB >84%).
Trong lần phân nhóm ngẫu nhiên đầu tiên, 2 trẻ ở nhóm điều trị thông thường đã được phát hiện chứng phình động mạch vành. Có một số trường hợp rối loạn nhịp tim, xuất huyết hoặc huyết khối ở các nhóm. Cả 2 bệnh nhân tử vong đều được đánh giá không liên quan đến liệu pháp điều trị trong nghiên cứu.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu gợi ý có bằng chứng cho thấy sử dụng methylprednisolon làm giảm thời gian nằm viện của trẻ MIS-C so với phác đồ điều trị thông thường. Đồng thời, sử dụng tocilizumab làm giảm thời gian nằm viện so với phác đồ điều trị thông thường trên các bệnh nhân mắc hội chứng viêm kháng trị với thuốc đầu tay. Cả IVIg và anakinra không làm thay đổi thời gian nằm viện so với phác đồ thông thường
Bảng 1. Đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu
Bảng 2. Đặc điểm điều trị
Bảng 3. Tiêu chí nghiên cứu (phân nhóm ngẫu nhiên lượt một)
Bảng 4. Tiêu chí nghiên cứu (phân nhóm ngẫu nhiên lượt hai)
Biên tập: DS Lê Thị Nguyệt Minh
Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: Lancet Child Adolesc Health 2024
DOI: 10.1016/S2352-4642(23)00316-4